Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai các nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09/5/2016, Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020, Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022, Công điện 44/CĐ-TTg , Công điện 50 /CĐ-TTg ngày 15/5/2024; và các đề nghị, hướng dẫn tại Công văn 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024, Thông báo 684 /TB-BYT ngày 04/6/2024.
Trong đó nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp);
Tập trung vào đối tượng là cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất...
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên liên tục các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phù hợp với đặc điểm của địa phương (sử dụng tiếng dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc, chú ý cả các vùng sâu, vùng xa).
- Khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, nhanh chóng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, đồng thời phải đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ngộ độc thực phẩm, yêu cầu khắc phục đúng quy định trước khi hoạt động trở lại.
Xem chi tiết nội dung tại Công văn 3113/BYT-ATTP ngày 07/6/2024.