Ai có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
12/02/2024 18:00 PM

Xin cho tôi hỏi ai có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm? Kiểm tra an toàn thực phẩm dựa trên những căn cứ nào? - Hoàng Yến (Bến Tre)

Ai có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ai có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm?

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 48/2015/TT-BYT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 17/2023/TT-BYT, đính chính tại Quyết định 1348/QĐ-BYT năm 2016) quy định các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm:

- Cục An toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước.

- Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp tỉnh;

- Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện), Phòng Y tế, Trung tâm Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện” thành “Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là cấp huyện), Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn , Trạm Y tế xã.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quy định tại Điều 69 Luật An toàn thực phẩm 2010.

Đoàn kiểm tra do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra về an toàn thực phẩm quyết định thành lập có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 70 Luật An toàn thực phẩm 2010.

2. Căn cứ để kiểm tra an toàn thực phẩm 

Tại Điều 5 Thông tư 48/2015/TT-BYT, căn cứ để kiểm tra an toàn thực phẩm như sau:

- Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thực phẩm; quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm.

- Các tiêu chuẩn có liên quan đến an toàn thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm.

- Các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

- Các quy định về quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm.

- Các quy định về kiểm nghiệm thực phẩm.

- Các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm.

3. Nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm 

Nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 6 Thông tư 48/2015/TT-BYT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 17/2023/TT-BYT) như sau:

- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:

+ Hồ sơ về hành chính, pháp lý của cơ sở:

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kiểm tra, đánh giá theo loại hình cơ sở thuộc diện cấp hoặc không thuộc diện cấp quy định tại các điều 11, 12 và 28 Nghị định 15/2018/NĐ-CP); Giấy xác nhận đủ sức khỏe, Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của các đối tượng theo quy định;

+ Hồ sơ liên quan đến Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, Bản tự công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Kiểm tra, đánh giá theo đối tượng, nội dung quy định tại các điều 4, 5, 6, 7, 8, 26 và 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP;

+ Hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm thực phẩm; các quy định khác có liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm;

+ Nội dung ghi nhãn sản phẩm thực phẩm:

+ Việc thực hiện các quy định về quảng cáo thực phẩm (đối với cơ sở có quảng cáo thực phẩm);

+ Kiểm tra các giấy tờ liên quan đến việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu (đối với cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu);

+ Lấy mẫu kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết. Áp dụng hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 26/2012/TT-BKHCN và khoản 3, khoản 8 Điều 1 Thông tư 12/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2012/TT-BKHCN để lấy mẫu.

- Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố:

+ Hồ sơ về hành chính, pháp lý của cơ sở: Kiểm tra theo nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 48/2015/TT-BYT;

+ Kiểm tra hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân viên; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn nước; nguồn gốc xuất xứ đối với thực phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm; lưu mẫu; các quy định khác có liên quan;

+ Lấy mẫu thức ăn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các nguyên liệu, sản phẩm phục vụ chế biến, ăn uống để kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết. Áp dụng tương tự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 Thông tư 48/2015/TT-BYT trong quá trình lấy mẫu kiểm nghiệm.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,036

Bài viết về

lĩnh vực An toàn thực phẩm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]