Các trường hợp nào Việt Nam sẽ không thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài? Cơ quan có thẩm quyền từ chối thực hiện ủy thác tư pháp dựa vào đâu?
Quy trình từ khi bắt đầu thực hiện đến khi có thông báo kết quả về ủy thác tư pháp được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 20 và Điều 21 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về quy trình này như sau:
Bước 1: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp và thực hiện một trong các công việc sau đây:
- Tiến hành tiếp nhận để thực hiện ủy thác tư pháp trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết;
- Trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết;
- Trường hợp cần bổ sung thông tin, tài liệu liên quan hoặc việc thực hiện ủy thác làm phát sinh chi phí thực tế, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày xác định được thông tin, tài liệu cần bổ sung hoặc chi phí thực tế phát sinh, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để bổ sung thông tin, tài liệu hoặc nộp chi phí thực tế.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài trong thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không xác định thời hạn thực hiện thì thời hạn này không quá 90 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền Việt Nam nhận được hồ sơ từ Bộ Tư pháp.
Quá thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam vẫn chưa thực hiện được ủy thác tư pháp thì cơ quan này phải thông báo lại cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong các phương thức thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo Mẫu số 03 được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này với số lượng 02 bản và tài liệu kèm theo (nếu có) cho Bộ Tư pháp.
Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tư pháp gửi thông báo và các tài liệu kèm theo (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế hoặc cho Bộ Ngoại giao, đối với trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp được gửi thông qua Bộ Ngoại giao.
Bước 5: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo và tài liệu kèm theo (nếu có) từ Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao gửi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp đó cho cơ quan có thẩm quyền nước yêu cầu đã chuyển hồ sơ cho phía Việt Nam.
Bên cạnh đó trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu thông báo về tình hình thực hiện ủy thác tư pháp thì trình tự nhận, gửi và trả lời yêu cầu này được thực hiện như trình tự nhận, gửi và thông báo kết quả ủy thác tư pháp của nước ngoài.
Thời hạn thực hiện tại từng cơ quan có thẩm quyền Việt Nam là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
Các trường hợp nào Việt Nam sẽ không thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài? Cơ quan có thẩm quyền từ chối thực hiện ủy thác tư pháp dựa vào đâu?
Các trường hợp nào Việt Nam sẽ không thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài?
Tại Điều 5 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định có 2 trường hợp các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện tương trợ tư pháp như sau:
"Điều 5. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự
Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Tương trợ tư pháp trong những trường hợp sau đây:
1. Khi có căn cứ cho thấy phía nước ngoài không thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam.
2. Việc thực hiện tương trợ tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam."
Tại khoản 2 Điều 4 của Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định như sau:
"Điều 4. Nguyên tắc tương trợ tư pháp
...
2. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế."
Theo đó Việt Nam sẽ không thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài trong trường hợp chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp và thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại mà thuộc 2 trường hợp phía trên.
Cơ quan có thẩm quyền từ chối thực hiện ủy thác tư pháp dựa vào đâu?
Căn cứ khoản 4 Điều 22 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định như sau:
"Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
...
4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc xác định, cập nhật tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam để làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền quyết định từ chối áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Các thông tin này được đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp."
Theo đó cơ quan có thẩm quyền từ chối thực hiện ủy thác tư pháp dựa vào các thông tin được đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc xác định, cập nhật tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam.
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Ủy thác tư pháp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 lưu ý quan trọng khi đánh giá xếp loại đảng viên cuối năm? Điều kiện cơ bản để được đánh giá xếp loại?
- Hóa đơn bán hàng là gì? Trường hợp nào được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng?
- Giáo dục mầm non là gì? Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm yêu cầu gì theo quy định pháp luật?
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?