Cách xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu trong tranh chấp hợp đồng tín dụng như thế nào cho đúng?
- Đặc trưng của các loại án kinh doanh thương mại về "tranh chấp hợp đồng tín dụng"?
- Những vi phạm về xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu trong "tranh chấp hợp đồng tín dụng" và hướng giải quyết?
- Những vi phạm phổ biến do vượt quá phạm vi bảo đảm cho khoản tiền vay và hướng giải quyết?
Đặc trưng của các loại án kinh doanh thương mại về "tranh chấp hợp đồng tín dụng"?
Căn cứ vào nội dung Hướng dẫn 25/HD-VKSTC năm 2022 thì các loại án về kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng có một số điểm đặc trưng như sau:
- Về quan hệ tranh chấp: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng cũng là một dạng về tranh chấp hợp đồng và về bản chất cũng là quan hệ vay mượn, đa số có lãi giống như các hợp đồng vay tài sản thông thường, nhưng nhằm mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh (lợi nhuận). Bên cạnh hợp đồng tín dụng, thường kèm theo hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản, tín chấp, bảo lãnh... của chính người vay tiền hoặc bên thứ 3. Về hình thức, hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm (phổ biến là hợp đồng thế chấp, cầm cố) được thể hiện thành văn bản, nội dung hợp đồng thường áp dụng theo mẫu của tổ chức tín dụng. Nội dung tranh chấp bao gồm việc thanh toán vốn, lãi suất, tiền phạt và xử lý tài sản bảo đảm.
- Về chủ thể tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện thường là tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân), các tổ chức này trong quá trình hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc cấp vốn tín dụng và bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng.
- Về pháp luật giải quyết tranh chấp: Do đặc điểm quan hệ tranh chấp nêu trên, nên pháp luật áp dụng giải quyết chủ yếu là Bộ luật Dân sự (BLDS), các luật chuyên ngành, như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, pháp luật về giao dịch bảo đảm.
- Về phương thức, thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Phương thức giải quyết tranh chấp bằng tố tụng Tòa án hoặc Trọng tài. Trên thực tế, đương sự thường lựa chọn phương thức tố tụng Tòa án để giải quyết. Trong phương thức Tòa án, đa số các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của TAND cấp huyện được quy định tại khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu và do vượt quá phạm vi bảo đảm cho khoản tiền vay trong 'tranh chấp hợp đồng tín dụng'
Những vi phạm về xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu trong "tranh chấp hợp đồng tín dụng" và hướng giải quyết?
Theo nội dung Hướng dẫn 25/HD-VKSTC năm 2022, những vi phạm phổ biến về xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu trong "tranh chấp hợp đồng tín dụng" là:
- Xuất hiện những trường hợp tổ chức, cá nhân dùng tài sản của chính mình để bảo đảm nghĩa vụ vay của người khác. Tuy nhiên, một số cơ quan tố tụng lại cho rằng hợp đồng thế chấp đối với tài sản của bên thứ ba vô hiệu do nhận thức rằng thực chất đây là hợp đồng bảo lãnh, do đó các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh chứ không phải hợp đồng thế chấp của bên thứ ba. Nhận thức khác còn cho rằng, việc bảo lãnh không chỉ định tài sản cụ thể làm tài sản bảo đảm, nếu có việc chỉ định này thì giao dịch trở thành giao dịch cầm cố hoặc thế chấp. Nhận thức này là không đúng với các quy định của Bộ luật Dân sự.
Do đó, trường hợp này cần lưu ý, một số tổ chức tín dụng đặt tên là “hợp đồng thế chấp” hoặc “hợp đồng thế chấp và bảo lãnh”, “hợp đồng thế chấp của người thứ ba” đều mang tính hình thức, vấn đề quan trọng là nội dung thỏa thuận và khi có tranh chấp xảy ra, căn cứ khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ" và khoản 3 Điều 336 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”. Căn cứ các quy định trên thì những thỏa thuận xử lý tài sản của bên thứ ba phù hợp với quy định này vẫn có hiệu lực, không bị vô hiệu.
Những vi phạm phổ biến do vượt quá phạm vi bảo đảm cho khoản tiền vay và hướng giải quyết?
Căn cứ vào nội dung Hướng dẫn 25/HD-VKSTC năm 2022, những vi phạm do vượt quá phạm vi bảo đảm cho khoản tiền vay cụ thể như sau:
- Hiện nay, một số trường hợp khi bên có tài sản thế chấp giới hạn việc thế chấp để đảm bảo khoản vay trong phạm vi hạn mức số tiền vay nhất định. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, Tòa án không xem xét kỹ trường hợp này, mà áp dụng theo các hợp đồng thế chấp thông thường không bị giới hạn phạm vi thế chấp tài sản là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân TT với bị đơn là Công ty MT, người liên quan là hộ bà Nguyễn Thị Bình M và ông Nguyễn Tống T. Ngày 14/6/2011, bà M ủy quyền cho ông T được quyền thế chấp một phần các thửa đất số 81, thửa 531, 508, 509, 563, tại phường LĐ, quận TĐ, thành phố H. Tuy nhiên, cùng ngày 14/6/2011, bà M, ông T còn ký Văn bản thỏa thuận có nội dung bà M chỉ ủy quyền cho ông T thế chấp trong phạm vi giá trị 10.000.000.000đ (mười tỷ đồng), song ông T lại thế chấp để bảo lãnh cho Công ty MT vay đến 43.801.409.000đ là vượt quá phạm vi ủy quyền. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm quyết định phát mãi toàn bộ TSTC của bà M là không đúng.
Như vậy, để tránh mắc phải những vi phạm như trên thì Kiểm sát viên cần phải xem xét kỹ phạm vi bảo đảm đối với khoản tiền vay trong hợp đồng thế chấp cụ thể và trình bày của đương sự về phạm vi bảo đảm.
Nguyễn Thành Đạt
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thế chấp tài sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh trường trung cấp có kết quả học tập loại khá được cấp học bổng khuyến khích học tập không?
- Hãng hàng không Việt Nam đề nghị cấp quyền vận chuyển hàng không thường lệ thì cần những giấy tờ gì?
- Mẫu đề án sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Dự án đầu tư xây dựng mới cảng hàng không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nào?
- Lịch tháng 1 năm 2025 Âm và Dương chi tiết như thế nào? Tết Âm lịch 2025 rơi vào ngày bao nhiêu tháng 1/2025?