Căn cứ để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm các yếu tố nào? Việc xác định tiêu chuẩn các yếu tố của từng hạng đất ra sao?
- Căn cứ để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm các yếu tố nào?
- Yếu tố chất đất để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Yếu tố vị trí để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Yếu tố địa hình để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Yếu tố điều kiện khí hậu, thời tiết để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Yếu tố điều kiện tưới tiêu để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
Căn cứ để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm các yếu tố nào?
Điều 7 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 có quy định:
+ Đất trồng cây hàng năm và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản được chia làm 6 hạng, đất trồng cây lâu năm được chia làm 5 hạng.
+ Căn cứ để xác định hạng đất gồm các yếu tố:
- Chất đất;
- Vị trí;
- Địa hình;
- Điều kiện khí hậu, thời tiết;
- Điều kiện tưới tiêu.
Căn cứ để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm các yếu tố nào? (Hình từ Internet)
Việc xác định tiêu chuẩn các yếu tố của từng hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp, được quy định cụ thể tại Mục I Thông tư liên bộ 92/TTLB năm 1993:
Yếu tố chất đất để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
Yếu tố chất đất: Chất đất là độ phì của đất (loại đất, độ dày canh tác hoặc độ dày tầng đất, hàm lượng mùn...) thích hợp với từng loại cây trồng; đối với đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản còn bao gồm độ muối và nguồn dinh dưỡng của nước. Yếu tố chất đất của các cây trồng chính cụ thể như sau:
+ Đối với đất trồng lúa:
- Đất có độ phì cao (10 điểm) gồm đất phù sa thuộc hệ thống sông Hồng, hệ thống sông Cửu Long, hệ thống sông Thái Bình, hạ lưu sông Thu Bồn, hạ lưu sông Ba
- Đất có độ phì trung bình (7 điểm) gồm đất phù sa của các sông khác; đất phèn ít và trung bình, đất mặn ít và trung bình của đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
- Đất có độ phì thấp (5 điểm) gồm đất phù sa bị úng nước, đất xám, đất dốc tụ, đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước, đất phèn ít và phèn trung bình, đất mặn ít và mặn trung bình không thuộc đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
- Đất có độ phì quá thấp (2 điểm) gồm đất phèn nhiều, đất mặn nhiều, đất trũng lầy, đất cát biển, đất bạc màu... các loại đất này phải cải tạo mới sản xuất được.
+ Đối với đất có mặt nước mặn lợ nuôi trồng thuỷ sản:
- Đất có độ phì cao (10 điểm) gồm đất phù sa, đất cát bùn giàu nguồn dinh dưỡng.
- Đất có độ phì trung bình (7 điểm) là đất phèn ít, có hàm lượng dinh dưỡng thấp.
- Đất có độ phì thấp (5 điểm) là đất có độ phèn trung bình phải cải tạo mới nuôi trồng được.
- Đất có độ phì quá thấp (2 điểm) gồm đất phèn nhiều, đất lầy, đất cát rất nghèo dinh dưỡng phải cải tạo lâu mới nuôi trồng được.
+ Đối với đất trồng cây công nghiệp lâu năm và đất trồng cây ăn quả lâu năm:
- Đất có độ phì cao (10 điểm) là các loại đất phù hợp với từng loại cây trồng ở từng địa phương, có tầng dày trên 100 cm, có hàm lượng mùn trên 2,5%.
- Đất có độ phì trung bình (8 điểm) là các loại đất tương đối phù hợp với từng loại cây trồng ở từng địa phương, có tầng dầy từ 70 cm đến 100cm, có hàm lượng mùn từ 1% đến 2,5%.
- Đất có độ phì quá thấp (6 điểm) là đất có tầng dầy dưới 70cm có lẫn cát, đá sỏi nhiều, có hàm lượng mùn dưới 1%, muốn trồng cây lâu năm phải đầu tư cải tạo nhiều mới sản xuất được.
Yếu tố vị trí để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cỏ, đất rừng trồng: Yếu tố vị trí được xác định từ nơi sản xuất tới nơi cư trú của hộ sử dụng đất. Nơi cư trú của hộ sử dụng đất được xác định là trung tâm của thôn (xóm), ấp, bản nơi có đất, có thang điểm: 7, 5, 3, 1.
- Đối với đất trồng cây lâu năm (trừ đất rừng trồng) và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: Yếu tố vị trí được xác định từ trung tâm thôn (xóm), ấp, bản nơi có đất tới thị xã, thành phố gần nhất. Riêng đối với các doanh nghiệp được tính từ trụ sở doanh nghiệp tới xã, thành phố gần nhất, có thang điểm: 6, 4, 2 đối với đất trồng cây lâu năm và thang điểm: 7, 5, 3, 1 đối với đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.
Yếu tố địa hình để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
+ Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 và chi tiết tại bảng tiêu chuẩn từng yếu tố để phân hạng đất tính thuế của các cây trồng chính ban hành kèm theo.
- Đối với đất trồng cây hàng năm và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản có thang điểm: 8, 6, 4, 2.
- Đối với đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả lâu năm có thang điểm: 8, 6, 4.
Yếu tố điều kiện khí hậu, thời tiết để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
Yếu tố điều kiện khí hậu, thời tiết: bao gồm các điều kiện nhiệt độ trung bình hàng năm; lượng mưa trung bình hàng năm; lượng gió, bão, lũ trong năm; số tháng khô hạn, số tháng nóng (gió Lào); lượng sương muối. Những yếu tố này được đánh giá ở hai mức độ hạn chế hoặc không hạn chế đến việc sinh trưởng của cây trồng. Mỗi yếu tố được đánh giá là hạn chế nếu yếu tố ấy diễn ra thường xuyên lặp đi lặp lại hàng năm làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây trồng. Những yếu tố này được tổng hợp đánh giá tiêu chuẩn theo từng loại cây trồng trên đất như sau:
+ Đối với đất trồng lúa:
- Thuận lợi cho việc trồng lúa, không có hạn chế gì (10 điểm) tức là không có yếu tố nào xấu nhất.
- Tương đối thuận lợi cho việc trồng lúa trong đó có 1 điều kiện hạn chế (7 điểm), điều kiện đó xấu nhất như nói ở trên.
- Tương đối thuận lợi cho việc trồng lúa trong đó có 2 điều kiện xấu nhất (5 điểm).
- Không thuận lợi cho việc trồng lúa có ít nhất 4 điều kiện hạn chế (2 điểm) như bão, lũ, sương muối, gió Lào.
+ Đối với đất có mặt nước mặn lợ nuôi trồng thuỷ sản được xác định tương tự như đất trồng lúa.
+ Đối với đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả lâu năm, đất rừng trồng được phân chia làm 3 mức phù hợp với từng loại cây trồng: thuận lợi (10 điểm), tương đối thuận lợi (8 điểm) và ít thuận lợi (6 điểm).
Yếu tố điều kiện tưới tiêu để xác định hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
Yếu tố điều kiện tưới tiêu (chế độ nước) bao gồm cả phần nhà nước đầu tư và tưới tiêu tự nhiên.
+ Đối với đất trồng lúa và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản được chia làm 4 mức theo bảng tiêu chuẩn của từng yếu tố để phân hạng đất tính thuế kèm theo Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ. Bốn mức tương ứng thang điểm: 10, 7, 5, 2.
+ Đối với đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả lâu năm được chia làm 3 mức: thuận lợi (10 điểm), tương đối thuận lợi (8 điểm), ít thuận lợi (6 điểm) phù hợp với từng loại cây trồng ở từng địa phương.
Nguyễn Đăng Huy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?
- Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư thông qua tổ chức đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nào?
- Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào? Được sử dụng để làm gì? Ai có trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi?
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?