Căn cứ vào đâu để lập sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp? Sổ thuế sử dụng đất này có cần được xét duyệt hay không?
Căn cứ vào đâu để lập sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp?
Theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 có quy định:
Điều 11
Tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp có trách nhiệm kê khai theo mẫu tính thuế của cơ quan thuế và gửi bản kê khai đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đúng thời gian quy định.
Khi có thay đổi về diện tích chịu thuế, hộ nộp thuế phải kê khai lại với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Điều 12
Căn cứ vào bản kê khai của hộ nộp thuế, cơ quan thuế kiểm tra, tính thuế và lập sổ thuế.
Đứng tên trong sổ thuế là chủ hộ nộp thuế.
Theo đó, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào vào bản kê khai của hộ nộp thuế để kiểm tra, tính thuế và lập sổ thuế.
Căn cứ vào đâu để lập sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp? (Hình từ Internet)
Sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp được lập thế nào?
Theo quy định tại Điều 14 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 có quy định:
Sổ thuế được lập theo đơn vị hành chính các cấp. Đất được đăng ký ở đơn vị hành chính nào thì tính thuế và lập sổ thuế ở đơn vị hành chính đó.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải niêm yết công khai số thuế trong năm của từng hộ nộp thuế trong thời hạn 20 ngày trước khi trình duyệt sổ thuế.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận sổ thuế trước khi trình Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt.
Quy định này được hướng dẫn cụ thể hơn tại Điều 9 Nghị định 74-CP năm 1993:
Sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp được lập một lần để sử dụng nhiều năm, nếu căn cứ tính thuế có thay đổi thì sổ thuế phải được điều chỉnh lại chậm nhất vào tháng 3 hàng năm. Sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp được lập theo đơn vị hành chính, cụ thể như sau:
1. Hộ nộp thuế chỉ sử dụng đất trong một xã, phường, thị trấn thì lập sổ thuế tại xã, phường, thị trấn.
2. Hộ nộp thuế có sử dụng đất ở nhiều xã, phường, thị trấn trong một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì lập sổ thuế tại huyện, quận, thị xã, thành phố đó. Nếu hộ nộp thuế có sử dụng đất ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì lập sổ thuế ở huyện, quận, thị xã... nơi hộ nộp thuế đóng trụ sở chính. Nếu hộ nộp thuế có sử dụng đất ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì đất thuộc huyện, quận, thị xã nào, lập sổ thuế tại huyện, quận, thị xã đó.
3. Chậm nhất đến ngày 30 tháng 11 năm 1993, tất cả các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải lập tờ khai gửi đến Uỷ ban nhân dân (cơ quan thuế), nơi có đất và lập sổ thuế theo quy định tại các khoản 1, 2 điều này.
Khi có sự thay đổi về hộ sử dụng đất hoặc thay đổi về diện tích tính thuế, hộ nộp thuế phải kê khai và gửi đến Uỷ ban nhân dân (cơ quan thuế) nơi lập sổ thuế. Hàng năm, nếu quá ngày 31 tháng 1 mà không kê khai thì cơ quan thuế được quyền ấn định số thuế phải nộp sau khi có ý kiến bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân cùng cấp về diện tích và hạng đất tính thuế.
4. Người đứng tên trong sổ thuế là chủ hộ gia đình nông dân, chủ hộ tư nhân, cá nhân hoặc người đứng đầu tổ chức có sử dụng đất nông nghiệp.
Việc lập sổ thuế tiến hành như sau (theo tiểu mục 2 Mục III Thông tư 89-TC/TCT năm 1993):
+ Đội thuế xã tổng hợp kết quả tiếp thu ý kiến nhân dân và từng hộ nộp thuế ngay sau khi hết thời hạn niêm yết và báo cáo Uỷ ban nhân dân xã. Nếu có ý kiến trái ngược lớn về diện tích hoặc hạng đất tính thuế, thì phải kiểm tra xác định lại, sau đó tiến hành lập sổ thuế theo từng thôn (ấp, bản xóm) theo mẫu của Bộ Tài chính.
+ Hội đồng tư vấn thuế xã giúp Uỷ ban nhân dân xã kết hợp với đội thuế xã kiểm tra, xác định các căn cứ tính thuế của từng hộ nộp thuế, đảm bảo phù hợp với tờ khai của hộ và kết quả phân hạng đất tính thuế. Những trường hợp sau khi niêm yết, hộ nộp thuế chưa thống nhất với Hội đồng tư vấn thuế xã và đội thuế xã về căn cứ tính thuế, mà Hội đồng tư vấn xã và đội thuế xã không giải quyết được thì phải báo cáo Uỷ ban nhân dân xã để có ý kiến bằng văn bản cho hộ nộp thuế, trên cơ sở đó tiếp tục lập và hoàn thiện sổ thuế.
Sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp có cần được xét duyệt hay không? Nếu có thì việc xét duyệt thực hiện thế nào?
Theo Điều 15 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 có quy định:
Sổ thuế của xã, phường, thị trấn phải được Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt theo đề nghị của cơ quan thuế cùng cấp.
Theo đó thì sổ thuế phải được xét duyệt theo đề nghị của cơ quan thuế cùng cấp.
Tổ chức xét duyệt sổ thuế theo quy định tại tiểu mục 3 Mục III Thông tư 89-TC/TCT năm 1993, cụ thể:
Sau khi lập xong sổ thuế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký xác nhận và trình Uỷ ban nhân dân huyện, đồng gửi Chi cục thuế. Chi cục thuế cùng Hội đồng tư vấn thuế giúp Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức duyệt: diện tích tính thuế, hạng đất tính thuế cho từng xã.
Trên cơ sở sổ thuế do các xã đã lập và ý kiến của Hội đồng tư vấn, Chi cục thuế hoàn chỉnh tổng hợp kết quả duyệt sổ thuế báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện thông qua để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trong văn bản này gọi chung là tỉnh) và Cục thuế.
Cục thuế giúp Uỷ ban nhân dân kiểm tra, xét duyệt sổ thuế của các huyện có sự tham gia của các ngành liên quan (Hội đồng tư vấn). Trường hợp có ý kiến khác nhau thì Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định chỉ đạo huyện phải duyệt lại sổ thuế.
Sổ thuế của huyện đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt theo đề nghị của Cục thuế được dùng làm căn cứ để Uỷ ban nhân dân huyện duyệt sổ thuế chính thức cho các xã và cho các hộ nộp thuế do huyện quản lý.
Tổng cục Thuế có trách nhiệm thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp của các địa phương.
Việc xét duyệt sổ thuế được tổ chức thực hiện theo quy định này.
Nguyễn Đăng Huy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hợp đồng xây dựng nhà xưởng là mẫu nào? Có được áp dụng hợp đồng trọn gói đối với hợp đồng xây dựng nhà xưởng không?
- Người lao động có được xin tạm ứng tiền lương không? Mẫu đơn đề nghị tạm ứng tiền lương dành cho người lao động hiện nay?
- Mẫu Báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành đoàn mới nhất? Quy trình bầu Ban Chấp hành đoàn khoá mới thế nào?
- Download mẫu giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai? Thời hạn đại diện giải quyết tranh chấp đất đai theo giấy ủy quyền?
- Mẫu nhận xét đánh giá đảng viên của chi bộ? Hướng dẫn chi bộ nhận xét đánh giá đảng viên thế nào?