Cơ quan thuế có quyền kiểm tra tài khoản cá nhân của nguời nộp thuế không? Ngân hàng phải thông tin tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế?
Cơ quan thuế có quyền kiểm tra tài khoản cá nhân của nguời nộp thuế không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 98 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế
...
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế:
a) Ngân hàng thương mại cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý thuế;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về nhà, đất cung cấp thông tin về hiện trạng sử dụng đất, sở hữu nhà của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân, cá nhân kinh doanh;
c) Cơ quan công an cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm về thuế; cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh và thông tin về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông;
d) Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm cung cấp thông tin về chi trả thu nhập và số tiền thuế khấu trừ của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế;
đ) Cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của Việt Nam và nước ngoài; thông tin về quản lý thị trường.
3. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế thông qua kết nối mạng trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử hằng ngày qua hệ thống thông tin người nộp thuế hoặc thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Ngoài ra, căn cứ tại Công văn 2535/TCT-TTKT ngày 21/6/2023, Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế khi có yêu cầu cung cấp thông tin thì gửi văn bản về Hội sở chính của Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác để triển khai thực hiện.
Như vậy, cơ quan thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch để thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Cơ quan thuế có quyền kiểm tra tài khoản cá nhân của nguời nộp thuế không? Ngân hàng phải thông tin tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế?
Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế đúng không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, ngân hàng có nghĩa vụ cung cấp các thông tin sau liên quan đến tài khoản cá nhân của khách hàng:
- Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
- Thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch trong trường hợp cần để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Việc ngân hàng chuyển dữ liệu thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng cho cơ quan thuế được cho là nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế của cá nhân, đặc biệt là những cá nhân có thu nhập trên môi trường thương mại điện tử.
Trường hợp nào cơ quan quản lý thuế được công khai thông tin người nộp thuế?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định cơ quan quản lý thuế công khai thông tin về người nộp thuế trong các trường hợp sau:
- Trốn thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh; phát hành, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
- Không nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
- Ngừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân khác.
- Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật như: Từ chối không cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
- Chống, ngăn cản công chức thuế, công chức hải quan thi hành công vụ.
- Quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành.
- Cá nhân, tổ chức không chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.
- Các thông tin khác được công khai theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Trần Hoàng Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cơ quan thuế có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?
- Việc bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản có phải hình thức thanh lý rừng trồng không?
- Sơ cấp lý luận chính trị là gì? Tốt nghiệp trung học cơ sở có được học sơ cấp lý luận chính trị không?
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan là hạt nhân chính trị ở cơ sở đúng không? Nhiệm vụ lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng?
- Trung cấp lý luận chính trị là gì? Đối tượng nào được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo quy định?