Đất đai thuộc sở hữu của ai? Công dân có quyền như thế nào đối với đất đai theo quy định pháp luật?
Đất đai thuộc sở hữu của ai?
Sở hữu đất đai được quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2024 như sau:
Sở hữu đất đai
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Theo đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Đất đai thuộc sở hữu của ai? Công dân có quyền như thế nào đối với đất đai theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet)
Công dân có quyền như thế nào đối với đất đai?
Quyền của công dân đối với đất đai được quy định tại Điều 23 Luật Đất đai 2024 như sau:
(1) Tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
(2) Tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.
(3) Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
(4) Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
(5) Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
(6) Thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Lưu ý:
Quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân được quy định tại Điều 24 Luật Đất đai 2024 như sau:
- Công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
+ Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
+ Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai;
+ Giao đất, cho thuê đất;
+ Bảng giá đất đã được công bố;
+ Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
+ Thủ tục hành chính về đất đai;
+ Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
+ Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.
- Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nghĩa vụ của công dân đối với đất đai của công dân được quy định tại Điều 25 Luật Đất đai 2024 như sau:
- Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai.
- Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất.
- Tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác.
Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như thế nào?
Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo theo quy định tại Điều 14 Luật Đất đai 2024 và luật khác có liên quan thông qua các cơ quan sau đây:
- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước;
- Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền;
+ Thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024;
+ Quyết định bảng giá đất;
+ Giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương;
- Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
Lưu ý:
Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 01/08/2024), trừ các trường hợp sau:
- Điều 190 Luật Đất đai 2024 và Điều 248 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.
- Việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng, cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
- Khoản 9 Điều 60 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết 61/2022/QH15 hết hiệu lực.
Phạm Thị Hồng
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đất đai có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người được giáo dục có phải gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục không?
- Hộ gia đình bị thu hồi đất và phải phá dỡ nhà ở có được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không?
- Kê khai thuế là gì? Hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện kê khai thuế là hành vi nào theo quy định?
- Người nộp thuế lưu ý điều gì khi kê khai thuế? Cơ quan thuế có quyền yêu cầu người nộp thuế giải thích việc khai thuế?
- Ngày giao dịch đầu tiên của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được xác định thế nào?