Điều kiện nào để được cấp Giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương? Để được cấp Giấy phép xây dựng thì tốn chi phí bao nhiêu?
- Thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương được quy định ra sao?
- Điều kiện nào để được cấp Giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương?
- Để được cấp Giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương thì tốn phí bao nhiêu?
- Việc quản lý trật tự xây dựng ở tỉnh Bình Dương được thực hiện như thế nào?
Thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương được quy định ra sao?
Theo Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 03/2022/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương thì thẩm quyền cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng được đề câp như sau:
- Phân cấp cho Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II; công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng và các công trình khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
- Phân cấp cho Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong các khu công nghiệp.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn được giao quản lý.
- Việc điều chỉnh, gia hạn, cấp lại, thu hồi và hủy giấy phép xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 51, Điều 52 và Điều 53 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Trường hợp xây dựng sai với giấy phép xây dựng được cấp thì phải bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định hiện hành trước khi đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng.
- Trường hợp dự án có nhiều loại công trình, cấp công trình khác nhau, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được xác định theo công trình chính có cấp công trình cao nhất của dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều kiện nào để được cấp Giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương? Để được cấp Giấy phép xây dựng thì tốn phí bao nhiêu?
Điều kiện nào để được cấp Giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương?
Theo Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 03/2022/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương thì để được cấp Giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương cần đáp ứng điều kiện sau:
- Quy mô của công trình cấp phép xây dựng có thời hạn.
+ Công trình cấp phép xây dựng có thời hạn có số tầng tối đa không quá 03 (ba) tầng và chiều cao tối đa không quá 12 mét; phải phù hợp với kiến trúc, cảnh quan trong khu vực và tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, xây dựng.
+ Trường hợp nhà đầu tư có dự án đảm bảo khả năng thu hồi vốn và tạo hiệu quả cho xã hội trong thời hạn tồn tại quy định thì thực hiện theo quy mô đề xuất của nhà đầu tư.
- Thời hạn tồn tại của công trình cấp phép xây dựng có thời hạn.
+ Thời hạn tồn tại của công trình cấp phép xây dựng có thời hạn theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Trường hợp chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng thì thời hạn tồn tại của công trình xây dựng theo thời hạn quy hoạch xây dựng.
+ Trường hợp chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng và thời hạn tồn tại của công trình xây dựng do nhà đầu tư đề xuất bảo đảm việc triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng thì cấp phép có thời hạn theo đề xuất của nhà đầu tư.
Để được cấp Giấy phép xây dựng ở tỉnh Bình Dương thì tốn phí bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 1 Nghị quyết 71/2016/NQ-HĐND9 về chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương có quy định như sau:
- Đối tượng nộp lệ phí:
Chủ đầu tư các công trình xây dựng bao gồm: Xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo; di dời và cấp giấy phép xây dựng có thời hạn (trừ các công trình được miễn cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng).
- Mức thu lệ phí:
+ Nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép): 50.000 đồng/giấy phép;
+ Công trình khác: 100.000 đồng/giấy phép;
+ Điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng: 10.000 đồng/giấy phép;
- Quản lý lệ phí:
Lệ phí cấp giấy phép xây dựng là khoản thu ngân sách Nhà nước. Cơ quan thu lệ phí nộp toàn bộ số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Việc quản lý trật tự xây dựng ở tỉnh Bình Dương được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 56 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì việc quản lý trật tự xây dựng được quy định như sau:
"Điều 56. Quản lý trật tự xây dựng
1. Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đua vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm.
2. Nội dung về quản lý trật tự xây dựng:
a) Đối với công trình được cấp giấy phép xây dựng: Việc quản lý trật tự xây dựng theo các nội dung của giấy phép xây dựng đã được cấp và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Đối với công trình được miễn giấy phép xây dựng, nội dung quản lý trật tự xây dựng gồm: kiểm tra sự đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, sự tuân thủ của việc xây dựng với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành hoặc quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt và quy định của pháp luật có liên quan; kiểm tra sự phù hợp của việc xây dựng với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế đã được thẩm định đối với trường hợp thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.
3. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng phải yêu cầu dừng thi công, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý trật tự xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn (trừ công trình bí mật nhà nước);
b) Ban hành các quy định về: quản lý trật tự xây dựng; phân cấp, ủy quyền quản lý trật tự xây dựng cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn; phân cấp, ủy quyền tiếp nhận thông báo khởi công kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng, trường hợp công trình thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 cần bổ sung thêm các tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định này.
c) Ban hành quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị cho từng khu vực để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng trong đô thị, trong khu chức năng và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn;
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
đ) Giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp, vướng mắc trong quá trình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:
a) Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật."
Đặng Tấn Lộc
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giấy phép xây dựng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hóa đơn bán hàng là gì? Trường hợp nào được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng?
- Giáo dục mầm non là gì? Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm yêu cầu gì theo quy định pháp luật?
- Kho bảo thuế được thành lập trong khu vực nào? Kho bảo thuế có phải là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa không?
- Không sử dụng đất trồng cây lâu năm liên tục trong 18 tháng bị phạt bao nhiêu tiền? Bị thu hồi đất trong trường hợp nào?
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?