Giấy vay tiền viết tay có phải là hợp đồng vay tài sản hay không? Vay tiền bằng giấy viết tay thì các bên có quyền tự do thỏa thuận về lãi suất vay không?
Giấy vay tiền viết tay có phải là hợp đồng vay tài sản hay không?
Giấy vay tiền viết tay có phải là hợp đồng vay tài sản hay không? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được quy định như sau:
Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Bên cạnh đó, theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 hình thức của giao dịch dân sự được quy định như sau:
Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Như vậy, theo quy định trên thì việc vay tiền bằng giấy viết tay được xem là một giao dịch dân sự, thể hiện bằng hình thức văn bản, là một hợp đồng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch vay tiền.
Vì là một giao dịch dân sự nên giấy vay tiền phải đảm bảo các quy định về giao dịch dân sự có hiệu lực theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Đồng thời, tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay như sau:
Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo các quy định trên, Giấy vay tiền viết tay là một hợp đồng vay tài sản, khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giấy vay tiền viết tay có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên trong giấy vay tiền viết tay phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Các bên có quyền tự do thỏa thuận về lãi suất vay trong giấy vay tiền viết tay hay không?
Theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, đối với hợp đồng vay tiền bằng giấy viết tay thì các bên có được quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay, tuy nhiên lãi suất này không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Người vay qua đời thì ai là người có nghĩa vụ trả nợ số tiền đã vay?
Căn cứ theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại. Nghĩa vụ đó được quy định như sau:
+ Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ trả tiền được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
+ Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả tiền do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Và, tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Do đó, khi người vay tiền chết, người thừa kế của người này phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản thừa kế được hưởng trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người cho vay.
Phạm Thị Thục Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp đồng vay tài sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công tác quan trắc công trình có nằm trong nội dung thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình không?
- Chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước được xác định như thế nào?
- Mẫu hồ sơ mời thầu tư vấn theo thông tư 06 mới nhất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi một giai đoạn một túi hồ sơ?
- Nguyên tắc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính là gì?
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?