Hợp đồng cộng tác viên kinh doanh là gì? Mẫu hợp đồng cộng tác viên kinh doanh mới nhất là mẫu nào?
Hợp đồng cộng tác viên kinh doanh là gì?
Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo đó, có thể hiểu hợp đồng cộng tác viên kinh doanh là văn bản pháp lý quy định mối quan hệ giữa một công ty và cộng tác viên, người sẽ thực hiện các hoạt động kinh doanh như tiếp thị, bán hàng hoặc giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của công ty.
Nội dung chính của hợp đồng cộng tác viên kinh doanh thường bao gồm:
(1) Thông tin các bên: Thông tin về công ty và cộng tác viên.
(2) Phạm vi công việc: Các nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể mà cộng tác viên sẽ thực hiện.
(3) Thù lao: Cách tính toán và phương thức thanh toán cho cộng tác viên.
(4) Thời gian hợp tác: Thời gian bắt đầu và kết thúc của hợp đồng.
(5) Quyền và nghĩa vụ: Quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên trong quá trình hợp tác.
(6) Điều khoản bảo mật: Quy định về việc bảo mật thông tin của công ty.
(7) Chấm dứt hợp đồng: Điều kiện và quy trình chấm dứt hợp đồng.
Hợp đồng này giúp đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên, tạo sự rõ ràng trong mối quan hệ hợp tác kinh doanh.
*Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Mẫu hợp đồng cộng tác viên kinh doanh mới nhất?
Hiện nay, tại Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản có liên quan chưa có quy định về hợp đồng cộng tác viên kinh doanh. Theo đó, các bên có thể tự soạn thảo mẫu hợp đồng cộng tác viên kinh doanh hoặc tham khảo mẫu hợp đồng cộng tác viên kinh doanh sau đây:
TẢI VỀ Mẫu hợp đồng cộng tác viên kinh doanh
Hợp đồng cộng tác viên kinh doanh là gì? Mẫu hợp đồng cộng tác viên kinh doanh mới nhất là mẫu nào? (Hình từ Internet)
Hợp đồng cộng tác viên kinh doanh là hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ?
(1) Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Như vậy, trường hợp các đơn vị tuyển dụng nhân viên dưới hình thức cộng tác viên, trong đó nhân viên chịu sự ràng buộc nhất định theo nội quy, quy chế làm việc của đơn vị tuyển dụng (tuân thủ về thời gian làm việc trong ngày, số ngày trong một tuần, thời giờ nghỉ ngơi, nghỉ lễ, tết…), công việc mang tính chất làm công ăn lương thì người được tuyển dụng xem như đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.
(2) Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ
Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Như vậy, trường hợp các đơn vị tuyển dụng nhân viên vào làm việc theo dự án, chương trình, trong đó nhân viên được tuyển dụng không bị ràng buộc bởi các nội quy, quy chế của đơn vị; thời gian, địa điểm làm việc thường tự do; thù lao được trả theo công việc được giao, tạm ứng và thanh toán khi hoàn thành công việc.
Khi đó, bản chất của hợp đồng cộng tác viên được coi là hợp đồng dịch vụ và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Hợp đồng cộng tác viên kinh doanh là hợp đồng lao động thì cộng tác viên có quyền và nghĩa vụ gì?
Trường hợp hợp đồng cộng tác viên kinh doanh là hợp đồng lao động thì quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên được xem như quyền và nghĩa vụ của người lao động và được quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
(1) Người lao động có các quyền sau đây:
- Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Đình công;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Phan Thị Như Ý
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp đồng cộng tác viên có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hợp đồng giao khoán của hợp tác xã mới nhất? Hợp tác xã có được tự thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán không?
- Lịch đi nghĩa vụ quân sự năm 2025 chính thức thế nào? Chế độ báo cáo về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025?
- Mua trả chậm và mua trả góp khác nhau thế nào? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không thanh toán đúng hạn?
- Nhà nước có hỗ trợ hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hay không?
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?