Hợp đồng thương mại có được kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện trong trường hợp bất khả kháng không? Có phải bồi thường thiệt hại cho bên đối tác hợp đồng thương mại trong trường hợp bất khả kháng hay không?
Trường hợp được xem là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng thương mại?
Căn cứ theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015:
Khái niệm hợp đồng
...
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
...
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Hiện nay, không có bất kỳ văn bản pháp luật hay tài liệu liệt kê các trường hợp trong hợp đồng được xem là bất khả kháng. Do đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Bất khả kháng phải là hiện tượng khách quan bất lợi, ngoài ý chí của các bên đương sự trong hợp đồng.
+ Bất khả kháng là hiện tượng xảy ra không thể lường trước được.
+ Bất khả kháng phải là hiện tượng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng sẵn có để khắc phục.
Hợp đồng thương mại (Hình từ Internet)
Hợp đồng thương mại có được kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện trong trường hợp bất khả kháng không?
Căn cứ theo Điều 296 Luật Thương mại 2005 quy định trường hợp kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng thương mại trong trường hợp bất khả kháng như sau:
Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng
1. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
2. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
4. Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.
Như vậy, việc kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng thương mại trong trường hợp bất khả kháng sẽ được thực hiện theo các quy định nêu trên.
Có phải bồi thường thiệt hại cho bên đối tác hợp đồng thương mại trong trường hợp bất khả kháng hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:
Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
...
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra căn cứ theo Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm như sau
1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
Như vậy, có thể thấy sự kiện bất khả kháng là một trong những căn cứ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Công ty bạn không phải bồi thường thiệt hại cho bên đối tác trong trường hợp nêu trên.
Huỳnh Lê Bình Nhi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hợp đồng thương mại có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?
- Thủ tục xóa đăng ký thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cấp tỉnh ra sao?
- Phương pháp lập Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế nội địa? Khóa sổ kế toán thuế nội địa trước hay sau khi lập báo cáo kế toán thuế?
- Thủ tục chuyển loại rừng đối với khu rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập từ 30/10/2024 ra sao?
- Mức bồi thường được tính thế nào khi Nhà nước thu hồi đất và gây thiệt hại đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước?