Không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định thì tổ chức tín dụng sẽ bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- Ai là người quyết định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng?
- Không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định thì tổ chức tín dụng sẽ bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định là bao lâu?
Ai là người quyết định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng?
Theo Điều 6 Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc như sau:
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc
1. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng
a) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ, trừ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng quy định tại điểm b Khoản này;
b) Đối với tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ qua công cụ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
2. Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ.
Theo quy định trên, người quyết định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức tín dụng (Hình từ Internet)
Không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định thì tổ chức tín dụng sẽ bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 34 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về duy trì dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc như sau:
Vi phạm quy định về duy trì dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định của pháp luật;
b) Không tuân thủ quy định mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
...
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
...
Theo đó, tổ chức tín dụng không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đồng thời đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Yêu cầu tổ chức tín dụng cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định là bao lâu?
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định là 01 năm.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Dự trữ bắt buộc có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC của doanh nghiệp mua bán vàng miếng như thế nào?
- Lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư thông qua tổ chức đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nào?
- Đất công trình thủy lợi thuộc nhóm đất nào? Được sử dụng để làm gì? Ai có trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi?
- Lưu ý khi điền xếp loại kết quả đánh giá trong mẫu phiếu tự đánh giá của giáo viên mầm non mới nhất?
- Phụ lục đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá mới nhất? Tải về ở đâu?