Nghĩa vụ thuế TNCN, bảo hiểm xã hội đối với trưởng Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là người nước ngoài không có mặt ở Việt Nam?
- Nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đối với trưởng Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là người nước ngoài không có mặt ở Việt Nam?
- Nghĩa vụ bảo hiểm xã hội đối với trưởng Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là người nước ngoài không có mặt ở Việt Nam?
- Trưởng Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài không có mặt ở Việt Nam có bắt buộc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình không?
Nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đối với trưởng Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là người nước ngoài không có mặt ở Việt Nam?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Quản lý thuế 2019 ghi nhận hướng dẫn như sau:
Trách nhiệm của người nộp thuế
1. Thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
2. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
...
Theo đó, nghĩa vụ đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế phát sinh đối với người nộp thuế.
Quy định tại Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC thì:
Người nộp thuế
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.
...
Do đó, đối với trường hợp trưởng Văn phòng đại diện nếu có phát sinh thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định thì phải thực hiện đăng ký thuế và sử dụng mã số thuế để thực hiện kê khai, nộp thuế.
Trưởng Văn phòng đại diện (Hình từ Internet)
Nghĩa vụ bảo hiểm xã hội đối với trưởng Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài là người nước ngoài không có mặt ở Việt Nam?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ghi nhận hướng dẫn như sau:
Đối tượng áp dụng
...
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
...
Theo đó, đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Do đó, nếu trường hợp công dân nước ngoài không thuộc diện phải được cấp phép lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Chị có thể tham khảo quy định tại Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động và đối chiếu với trường hợp cụ thể tại đơn vị để có đủ căn cứ xác định trưởng Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không.
Trưởng Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài không có mặt ở Việt Nam có bắt buộc ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình không?
Thì căn cứ theo khoản 3 Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì trưởng Văn phòng đại diện phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Việc ủy quyền này phải được sự đồng ý của thương nhân nước ngoài. Trưởng Văn phòng đại diện vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà trưởng Văn phòng đại diện chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền có quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đứng đầu Văn phòng đại diện trở lại làm việc tại Văn phòng đại diện hoặc cho đến khi thương nhân nước ngoài bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Văn phòng đại diện.
Bên cạnh đó, trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế mất năng lực hành vi dân sự thì thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Văn phòng đại diện.
Và trưởng Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
- Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;
- Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;
- Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;
- Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Nguyễn Nhật Vy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuế TNCN có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?