Người chuyển đổi giới tính bằng cách chỉ sử dụng nội tiết tố sinh học thì có được hưởng quyền như những người chuyển đổi giới tính có sự can thiệp của dao kéo không?
- Chuyển đổi giới tính là gì?
- Chuyển đổi giới tính sử dụng nội tiết tố sinh dục là gì?
- Điều kiện đối với người đề nghị sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính
- Người chuyển giới sử dụng nội tiết tố sinh dục có được hưởng quyền như những người chuyển giới sử dụng dao kéo không?
- Nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính
Chuyển đổi giới tính là gì?
Chuyển đổi giới tính là việc sử dụng y khoa để thay đổi giới tính của một người.
Tại Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc chuyển đổi giới tính như sau:
"Điều 37. Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan."
Chuyển đổi giới tính sử dụng nội tiết tố sinh dục là gì?
Căn cứ theo khoản 7 ĐIều 2 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định về nội tiết tố sinh dục như sau:
"Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
7. Nội tiết tố sinh dục là nội tiết tố nam do tinh hoàn tiết ra (androgen) và nữ là do buồng trứng tiết ra (estrogen)."
Chuyển đổi giới tính sử dụng nội tiết tố sinh dục là việc mình đưa hormone của giới tính mà mình muốn trở thành vào cơ thể. Ví dụ bản thân mình là nam, muốn được chuyển đổi thành nữ, khi đó sẽ sử dụng hormone nữ đưa vào cơ thể người đề nghị chuyển giới.
Điều kiện đối với người đề nghị sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính
Căn cứ theo Điều 6 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định về điều kiện đối với người đề nghị sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính cụ thể như sau:
"Điều 6. Điều kiện đối với người đề nghị sử dụng nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính
1. Có giới tính sinh học hoàn thiện.
2. Có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có.
3. Từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.
4. Là người độc thân.
5. Có đủ sức khỏe về tâm thần và thể chất, không chống chỉ định điều trị nội tiết tố sinh dục."
Chuyển đổi giới tính không có sự can thiệp của dao kéo có được hưởng quyền lợi như bình thường không?
Người chuyển giới sử dụng nội tiết tố sinh dục có được hưởng quyền như những người chuyển giới sử dụng dao kéo không?
Vì người chuyển đổi giới tính sử dụng nội tiết tố sinh dục hay người chuyển đổi giới tính sử dụng dao kéo để cắt bỏ ngực hoặc bộ phận sinh dục thì đều là những người chuyển đổi giới tính nên sẽ được hưởng quyền của người chuyển giới như nhau.
Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định về quyền của người chuyển giới cụ thể như sau:
1. Quyền của người chuyển đổi giới tính
- Được đề nghị công nhận là người chuyển đổi giới tính mà không bắt buộc phải thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; việc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là hoàn toàn tự nguyện;
- Được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;
- Được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quyền riêng tư khác của người chuyển đổi giới tính;
- Được quyền đăng ký thay đổi giấy tờ hộ tịch sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính;
- Được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;
- Không bị bắt buộc phải triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục, trừ trường hợp tự nguyện;
- Được bảo đảm quyền kết hôn theo giới tính mới sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính;
- Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính
Khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính quy định về nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính cụ thể như sau:
2. Nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính
- Tham gia tư vấn, hỗ trợ tâm lý y tế trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;
- Tích cực, chủ động học tập, lao động, hòa nhập gia đình, xã hội sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Như vậy, người chuyển đổi giới tính dù có sử dụng phương pháp gì để chuyển đổi giới tính cũng sẽ được hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính giống nhau. Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp và gửi tới bạn về những quy định trong Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.
Xem chi tiết nội dung Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại đây
Nguyễn Khánh Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chuyển đổi giới tính có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người phạm tội tự thú thì có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Người phạm tội tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự không?
- Con cháu có thể ủy nhiệm chăm sóc ông bà cho viện dưỡng lão khi ở xa không có điều kiện chăm sóc trực tiếp không?
- Khi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới có cần phải báo cáo thông tin AE trong các thử nghiệm đa quốc gia mà Việt Nam tham gia không?
- Người theo học ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì? Ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng là gì?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh các loại pháo sẽ do cơ quan nào cấp?