Chuyển đổi giới tính thì quyền nhân thân của người đó được thực hiện theo giới tính mới hay giới tính trước khi chuyển đổi?
Chuyển đổi giới tính thì quyền nhân thân của người đó được thực hiện theo giới tính mới hay giới tính trước khi chuyển đổi?
Căn cứ Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền nhân thân như sau:
Quyền nhân thân
1. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
2. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Đồng thời, căn cứ Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển đổi giới tính:
Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Theo quy định trên thì cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan.
Như vậy, sau khi đã chuyển đổi giới tính thì người đó có các quyền nhân thân tương ứng với giới tính đã được chuyển đổi.
Tuy nhiên, hiện tại pháp luật chỉ quy định trường hợp cá nhân có quyền xác định lại giới tính theo Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015, vẫn chưa có quy định cụ thể trong trường hợp nào thì cá nhân được chuyển đổi giới tính.
Ngoài ra, việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 88/2008/NĐ-CP.
Chuyển đổi giới tính thì quyền nhân thân của người đó được thực hiện theo giới tính mới hay giới tính trước khi chuyển đổi? (Hình từ Internet)
Người đã chuyển đổi giới tính có được quyền thay đổi tên không?
Quyền thay đổi tên đối với người đã chuyển đổi giới tính được quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Quyền thay đổi tên
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Theo quy định trên thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp đã chuyển đổi giới tính.
Như vậy, người đã chuyển đổi giới tính nếu có nhu cầu thì được quyền thay đổi tên cho phù hợp với giới tính đã chuyển đổi và có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên đó.
Lưu ý: Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Hiện nay Nhà nước có thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính không?
Việc thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, theo quy định trên thì ở thời điểm hiện tại Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chuyển đổi giới tính có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu hợp đồng giao khoán của hợp tác xã mới nhất? Hợp tác xã có được tự thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán không?
- Lịch đi nghĩa vụ quân sự năm 2025 chính thức thế nào? Chế độ báo cáo về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025?
- Mua trả chậm và mua trả góp khác nhau thế nào? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không thanh toán đúng hạn?
- Nhà nước có hỗ trợ hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hay không?
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?