Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện có chức năng là gì? Có tư cách pháp nhân và con dấu riêng không?
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện có chức năng là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT (Có hiệu lực từ ngày 31/03/2023) có quy định như sau:
Vị trí và chức năng
1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện hoặc Phòng Kinh tế ở các thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản và muối; phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hộ; kinh tế trang trại nông thôn; kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề ở nông thôn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện và theo quy định của pháp luật.
Phòng Kinh tế ở các quận tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về phòng, chống thiên tai, các lĩnh vực thuộc chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về:
- Nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản và muối; phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hộ; kinh tế trang trại nông thôn; kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề ở nông thôn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện và theo quy định của pháp luật.
Trước đây, theo khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV (Hết hiệu lực từ ngày 31/03/2023) quy định chức năng của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện như sau:
Vị trí và chức năng
1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện hoặc Phòng Kinh tế ở các thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện; tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thuỷ lợi; thuỷ sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thuỷ sản và muối; phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hộ; kinh tế trang trại nông thôn; kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề ở nông thôn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện và theo quy định của pháp luật, bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành, lĩnh vực công tác ở địa phương.
...
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện (Hình từ Internet)
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện có tư cách pháp nhân và con dấu riêng không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT (Có hiệu lực từ ngày 31/03/2023) có quy định như sau:
Vị trí và chức năng
...
2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế (sau đây viết tắt là Phòng) có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định pháp luật; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo quy định trên thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Và sẽ chịu sự chỉ đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định pháp luật; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đây, quy định này tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV (Hết hiệu lực từ ngày 31/03/2023) như sau:
Vị trí và chức năng
...
2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định pháp luật; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ chức bộ máy của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện được quy định thế nào?
Theo điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT (Có hiệu lực từ ngày 31/03/2023) có quy định như sau:
Trách nhiệm thi hành
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quyết định cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các nhóm lĩnh vực sau: trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; đê điều, phòng, chống thiên tai; kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; chất lượng, chế biến và phát triển thị trường và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, tổ chức và biên chế của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện sẽ do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể.
Trước đây, tổ chức bộ máy và biên chế công chức của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV (Hết hiệu lực từ ngày 31/03/2023):
Tổ chức bộ máy và biên chế công chức
1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế (sau đây gọi chung là Phòng) có Trưởng phòng, không quá 03 Phó Trưởng phòng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
a) Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng; có trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện khi được yêu cầu; phối hợp với người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng;
b) Phó Trưởng phòng giúp Trưởng phòng chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về nhiệm vụ được phân công. Khi trưởng phòng vắng mặt, một Phó trưởng phòng được Trưởng phòng ủy nhiệm điều hành hoạt động của Phòng;
c) Việc bổ nhiệm Trưởng phòng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định theo tiêu chuẩn chức danh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và theo quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo quy định của pháp luật.
2. Công chức chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp huyện được bố trí phù hợp với vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo các lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi và thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phát triển nông thôn; quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản.
3. Biên chế công chức của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định trong tổng biên chế công chức của huyện do cơ quan có thẩm quyền giao.
Huỳnh Lê Bình Nhi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giới nghiêm là gì? Lệnh giới nghiêm trong hoạt động quốc phòng cần phải xác định những nội dung nào?
- Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước có số lượng người sử dụng bao nhiêu được xem là có quy mô rất lớn?
- Viết đoạn văn 200 chữ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa? Đặc điểm môn Văn chương trình GDPT là gì?
- Lệnh giới nghiêm có phải được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khi được ban bố không?
- Mẫu báo cáo công tác bảo vệ môi trường mới nhất? Báo cáo công tác bảo vệ môi trường có bắt buộc không?