Quyền được hiến xác sau khi chết được quy định như thế nào? Thủ tục đăng ký hiến xác sau khi chết được quy định như thế nào?

Chị gái tôi có nguyện vọng được đăng ký hiến xác sau khi qua đời, chị tôi muốn biết rằng sau khi chị mất đi, thì xác của chị tôi có được hiến phục vụ cho mục đích y học không? Thủ tục đăng ký hiến xác sau khi chết được quy định như thế nào? - Câu hỏi của bạn Trùng Dương từ Quảng Ninh.

Quyền được hiến xác sau khi chết được quy định như thế nào?

Tại Điều 35 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc hiến xác sau khi chết như sau:

Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
1. Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
...
3. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.

Việc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác là quyền của cá nhân được pháp luật quy định.

Ngoài ra, người muốn được hiến xác sau khi chết cũng phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định như sau:

Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Quyền được hiến xác sau khi chết được quy định như thế nào?

Quyền được hiến xác sau khi chết được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

Nguyên tắc trong việc hiến xác sau khi chết được quy định như thế nào?

Tại Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định nguyên tắc trong việc hiến xác sau khi chết như sau:

Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.
2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
3. Không nhằm mục đích thương mại.
4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Về quyền lợi thì hiện chỉ có quy định về chế độ tổ chức tang lễ, mai táng di hài đối với người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác chứ không có chế độ dành cho gia đình của người hiến xác, tại Điều 3 Thông tư 104/2017/TT-BTC quy định như sau:

Chế độ tổ chức tang lễ, mai táng di hài đối với người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác
1. Trường hợp thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác phải xuất trình với cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến giấy tờ chứng minh là thân nhân của người đã hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác để nhận chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài theo quy định tại Khoản này.
2. Trường hợp cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến tổ chức tang lễ và mai táng được thanh toán chi phí theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở.

Thủ tục đăng ký hiến xác sau khi chết được quy định như thế nào?

Thủ tục đăng ký hiến xác sau khi chết được quy định tại Điều 19 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 như sau:

Thủ tục đăng ký hiến xác
1. Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 5 của Luật này có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến xác với cơ sở y tế.
2. Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến xác, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến quy định tại Điều 23 của Luật này.
3. Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến xác, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến có trách nhiệm sau đây:
a) Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan về hiến xác;
b) Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn;
c) Cấp thẻ đăng ký hiến xác cho người hiến.
4. Việc đăng ký hiến xác có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.
5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu đơn đăng ký hiến xác; việc tư vấn cho người hiến xác.

Như vậy, thủ tục đăng ký hiến xác được quy định như trên. Bạn đọc thêm thông tin để biết chi tiết hơn.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hiến xác

Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt

Hiến xác
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hiến xác có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào