Tài sản nhà nước là bao gồm những tài sản gì? Gây thất thoát tài sản của nhà nước sẽ bị xử lý như thế nào?
Tài sản nhà nước là bao gồm những tài sản gì?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 133 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 thì tài sản nhà nước được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có hiệu lực (ngày 01/01/2018) thi hành là tài sản công.
Theo đó, căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định tài sản Nhà nước (tài sản công) là:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
...
Đồng thời, tại Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 (có hiệu lực kể từ 01/7/2014) quy định:
Tài sản nhà nước là tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc do pháp luật quy định thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước, bao gồm:
+ Trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc;
+ Tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Nhà nước và các tài sản khác do pháp luật quy định.
Tài sản nhà nước là bao gồm những tài sản gì? Gây thất thoát tài sản của nhà nước sẽ bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Tội gây thất thoát tài sản nhà nước sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 và khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định như sau:
- Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
+ Vì vụ lợi;
+ Có tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
+ Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, người phạm tội về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.
Bên cạnh đó, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người phạm tội về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí sẽ đương nhiên được xóa án tích khi nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc đương nhiên được xóa án tích như sau:
Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
…
Như vậy, người phạm tội về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí sẽ đương nhiên được xóa án tích khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện sau:
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
(1) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
(2) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
(3) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
(4) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm (1) (2) (3) khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Bên cạnh đó, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định trên.
Lưu ý: Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích. (căn cứ tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài sản nhà nước có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước được xác định như thế nào?
- Mẫu hồ sơ mời thầu tư vấn theo thông tư 06 mới nhất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi một giai đoạn một túi hồ sơ?
- Nguyên tắc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính là gì?
- Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục là chức danh gì? Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục phải có những chứng chỉ gì?
- Thủ tục xóa đăng ký thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cấp tỉnh ra sao?