Cách nhận diện và phòng chống lừa đảo qua mạng như thế nào? Cần phải làm gì khi đã bị lừa đảo?
Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến do Bộ Thông tin và truyền thông phát hành ra sao?
Căn cứ tại Công văn 2416/BTTTT/CATTT năm 2023 tải, Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức chiến dịch tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, trong đó đã phát hành Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến qua mạng internet tuyên truyền đến người dân.
Theo đó, để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, người sử dụng mạng internet tuyệt đối không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng, không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền hoặc chứng minh tài chính, không chuyển bất cứ khoản tiền nào để mua đơn hàng theo yêu cầu của đối tượng và tuyệt đối không cung cấp mã OTP của ngân hàng, ví điện tử cho người khác, không đăng nhập vào đường link lạ.
Các hình thức lừa đảo trên mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nhắm vào nhiều nhóm đối tượng như: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng,…
Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, tại Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến ghi nhận 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam được nêu trong “Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” bao gồm:
(1) Lừa đảo “Combo dịch vụ giá rẻ”.
(2) Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
(3) Lừa đảo “khóa sim” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
(4) Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
(5) Giả mạo giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
(6) Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
(7) Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
(8) Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…
(9) Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng).
(10) Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
(11) Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
(12) Lừa đảo tuyển CTV online.
(13) Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.
(14) Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
(15) Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
(16) Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
(17) Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
(18) Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
(19) Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
(20) Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
(21) Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
(22) Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…
(23) Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
(24) Lừa đảo cho số đánh đề.
Xem toàn bộ Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến tại đây: tải
Cách nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến như thế nào? Phải làm gì khi đã bị lừa đảo?
Phải làm gì khi đã bị lừa đảo trực tuyến?
Tại Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến hướng dẫn những việc cần làm khi bị lừa đảo trực tuyến như sau:
(1) Hành động nhanh nếu đã bị lừa đảo:
Nếu bạn đã bị lừa đảo, hãy làm theo các bước sau:
- Đừng tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo.
- Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính của bạn để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.
- Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
- Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.
- Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn)
(2) Nếu đã chuyển tiền cho một kẻ lừa đảo:
Nếu bạn đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo theo bất kỳ cách nào trong số này, đây sẽ là những việc cần làm:
- Thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ: Hãy liên hệ ngay với ngân hàng của bạn để báo cáo hành vi lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.
- Thẻ quà tặng: Báo cáo cho công ty phát hành thẻ.
- Chuyển tiền ngân hàng: Báo cáo với công ty chuyển khoản ngân hàng hoặc ngân hàng mà bạn đang sử dụng.
- Ứng dụng chuyển tiền: Báo cáo với nhà cung cấp ứng dụng (người bán hoặc nhà phát triển, không phải cửa hàng ứng dụng).
- Tiền điện tử: Báo cáo cho nền tảng hoặc công ty bạn đã sử dụng để gửi tiền vì tiền điện tử không thể thu hồi được.
- Tiền mặt: Nếu bạn gửi qua thư hoặc chuyển phát, hãy liên hệ với Bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát đã sử dụng để xem liệu họ có thể chặn gói hàng hay không.
- Chuyển khoản trái phép: Nếu một kẻ lừa đảo đã chuyển tiền mà không có sự chấp thuận của bạn, hãy báo ngay cho ngân hàng của bạn để yêu cầu đóng băng tài khoản và giao dịch của bạn.
- Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
- Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn)
(3) Nếu một kẻ lừa đảo có thông tin cá nhân của bạn: Nếu thông tin cá nhân của bạn (tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân) đã bị rò rỉ do vi phạm dữ liệu. Dưới đây là những việc cần làm:
- Báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính của bạn.
- Tạo một mật khẩu mới mạnh hơn: Đảm bảo rằng bạn chưa từng sử dụng mật khẩu đó trước đây. Nếu bạn đã sử dụng mật khẩu bị rò rỉ ở bất kỳ nơi nào khác, hãy thay đổi mật khẩu ở đó.
- Coi chừng liên lạc đáng ngờ: Chặn hoặc không trả lời bất kỳ ai mà bạn không biết và không nhấp vào bất kỳ liên kết đáng nghi nào.
- Theo dõi chặt chẽ tài khoản ngân hàng của bạn.
(4) Nếu kẻ lừa đảo đã truy cập vào máy tính hoặc điện thoại của bạn:
Một kẻ lừa đảo giả vờ là người từ nhà cung cấp Internet hoặc điện thoại của bạn. Họ nói rằng bạn gặp sự cố kỹ thuật và yêu cầu quyền truy cập vào thiết bị của bạn. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ lây nhiễm vi-rút vào đó để đánh cắp mật khẩu và thông tin tài chính của bạn. Đây là những việc cần làm:
- Nếu những kẻ lừa đảo truy cập vào máy tính của bạn: Hãy cập nhật phần mềm bảo mật và quét vi-rút. Xóa mọi thứ được xác định là có vấn đề và đặt lại mật khẩu của bạn.
- Nếu những kẻ lừa đảo truy cập vào điện thoại của bạn: Hãy báo cáo với nhà cung cấp dịch vụ điện thoại của bạn. Cập nhật phần mềm bảo mật và quét vi-rút.
Thay đổi mật khẩu hoặc mã pin của bạn, chặn các cuộc gọi lừa đảo và xem xét thay đổi số điện thoại của mình. Bạn cũng có thể nhờ chuyên gia công nghệ thông tin kiểm tra trực tiếp thiết bị của mình.
(5) Liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, an toàn thông tin:
- Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an; hoặc Cục Cảnh sát hình sự (C02) trực thuộc Bộ Công An. Tại mỗi địa phương, liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05).
- Cục An toàn thông tin (AIS), trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục An toàn thông tin là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin, điện thoại 024 3209 6789; email [email protected].
- Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Bộ Quốc phòng Việt Nam. Bên cạnh đó Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại 63 tỉnh/thành phố là cánh tay nối dài của Bộ Thông tin và Truyền thông tại các tỉnh, thành phố.
- Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA), số điện thoại: 024 62901028; email [email protected].
- Các doanh nghiệp an toàn thông tin của Việt Nam: Bkav, VNPT Cyber Immunity, Viettel Cyber Security, CMC Cyber Security, FPT IS, HPT, MISOFT và VNCS...
- Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng do Cục An toàn thông tin (AIS) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì điều phối cùng 8 đơn vị sáng lập VNPT, Viettel, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, TikTok và Cốc Cốc.
Đơn đơn tố giác tội phạm lừa đảo được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Như vậy, tố giác tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, khi phát hiện bản thân mình bị lừa đảo thì cá nhân có thể trình báo sự việc với cơ quan công an, kèm theo đó là đơn tố giác tội phạm
Tải mẫu đơn tố giác tội phạm lừa đảo (tham khảo) tại đây:
Nguyễn Trần Hoàng Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Lừa đảo qua mạng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người nộp thuế được xóa nợ tiền thuế trong trường hợp nào? Ai thực hiện việc lập hồ sơ xóa nợ tiền thuế?
- Khi nào thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng? Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động khiển trách và kéo dài thời hạn nâng lương cùng lúc được không?
- Công trình xử lý chất thải là gì? Đất công trình xử lý chất thải là gì? Đất công trình xử lý chất thải thuộc nhóm đất nào?
- Sau khi nộp tiền thuế, người nộp thuế có được nhận chứng từ thu tiền thuế? Trách nhiệm nộp tiền thuế của người nộp thuế?
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?