Sắp tới, người lớn có được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4 hay không? Khi nào được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4?

Tôi nghe nói trong Nghị quyết 38/NQ-CP ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 có đề cập đến việc tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân. Vậy khi nào chúng tôi mới được tiêm mũi 4?

Thời gian thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19

Theo hướng dẫn tại mục III Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 ban hành kèm theo Nghị quyết 38/NQ-CP năm 2022 về thời gian thực hiện Chương trình như sau:

"III. THỜI GIAN THỰC HIỆN:

Chương trình này được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh."

Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 38/NQ-CP năm 2022 đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nào?

Năm 2022, Việt Nam đang triển khai nghiên cứu tiêm vắc xin Covid-19 mũi thứ 4 cho người lớn như thế nào?

Quan điểm về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19

Theo hướng dẫn tại mục I Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 ban hành kèm theo Nghị quyết 38/NQ-CP năm 2022 nêu quan điểm phòng, chống dịch Covid-19 như sau:

"I. QUAN ĐIỂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, sự phối hợp, quản lý chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; huy động hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành; kết hợp hài hòa phương châm “bốn tại chỗ” và hỗ trợ từ các cấp, các ngành; phát huy cơ chế bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

2. Huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch; lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, là động lực, là mục tiêu, mọi hoạt động đều hướng về người dân để tạo sự đồng thuận; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

3. Đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế ban đầu ngay từ cơ sở, gần nhất, sớm nhất, nhanh nhất; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi đối với người dân. Vận động, hướng dẫn người dân thực hiện 5K hoặc các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và tiêm chủng vắc xin toàn dân, miễn phí.

4. Bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.

5. Tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng, chống dịch; tận dụng những thay đổi, biến nguy thành cơ. Tăng cường năng lực phòng, chống dịch cho các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở; hình thành các cơ chế điều hành vùng, liên vùng trong phòng, chống dịch. Bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội."

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19

Theo hướng dẫn tại mục IV Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 ban hành kèm theo Nghị quyết 38/NQ-CP năm 2022 về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình như sau:

"IV. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền

a) Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị nhất là tại cơ sở, huy động tối đa nguồn lực và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, nhất quán, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương tránh tình trạng cát cứ, chồng chéo, cứng nhắc; thường xuyên nghiêm túc quán triệt các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

b) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện, bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.

c) Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp cấp tỉnh và quốc gia.

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19

a) Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch COVID-19 để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở công tác phòng, chống dịch; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch.

b) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghiên cứu phát triển, hỗ trợ sản xuất trong nước và ứng dụng thuốc (bao gồm cả thuốc y học cổ truyền), vắc xin, sinh phẩm trong phòng, chống dịch và hỗ trợ điều trị COVID-19 để bảo đảm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

c) Hoàn thiện cơ chế tài chính, các quy trình, thủ tục tiếp nhận viện trợ, tài trợ, đấu thầu, mua sắm, dự phòng vật tư, thuốc (kể cả việc xã hội hóa), vắc xin, trang thiết bị y tế, hóa chất… phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

d) Huy động sự tham gia của lực lượng y tế ngoài công lập; bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện dịch bệnh, trong đó lưu ý đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

3. Về nhiệm vụ, giải pháp y tế

a) Bao phủ vắc xin phòng COVID-19

- Triển khai việc tiêm vắc xin bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người (bao gồm cả người bệnh đến khám tại cơ sở y tế) để tránh bỏ sót; khẩn trương hoàn thành trong Quý I năm 2022 việc tiêm mũi 02 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 03 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; tổ chức triển khai tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay khi có vắc xin. Khẩn trương nghiên cứu tiêm vắc xin mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công, sản xuất vắc xin trong nước sớm nhất có thể.

- Triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật thông tin về người dân đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, giám sát tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 và phục vụ phân bổ vắc xin hợp lý, hiệu quả. Thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu tiêm chủng để tính toán chính xác tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.

b) Tăng cường giám sát phòng, chống dịch COVID-19

- Thực hiện nâng cao năng lực giám sát dịch tễ; triển khai đồng bộ giám sát trọng điểm và giám sát thường xuyên; tăng cường năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh tại Trung ương, địa phương.

- Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước; kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời khôi phục, phát triển kinh tế.

- Thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”; nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

- Thực hiện phù hợp, kịp thời, khoa học và hiệu quả công tác xét nghiệm phát hiện các trường hợp nhiễm.

- Thiết lập cơ sở dữ liệu dịch tễ học phục vụ cho công tác dự báo và giám sát gồm: (i) tình hình dịch; (ii) giám sát vi rút; (iii) hoạt động điều trị; (iv) tiêm chủng; (v) khả năng và hiệu quả đáp ứng phòng, chống dịch, hiệu quả điều trị của địa phương; đánh giá kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2; bảo đảm chia sẻ thông tin giám sát dịch bệnh trong nước và quốc tế.

c) Tăng cường, đẩy nhanh việc thực hiện các Chương trình, Đề án, Dự án sắp xếp, củng cố hệ thống y tế

- Đối với hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở:

+ Đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trung ương và các Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng tại các vùng kinh tế - xã hội; phát triển mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện đa chức năng.

+ Bố trí số lượng hợp lý trạm y tế, nhân viên y tế (cố định và lưu động) theo quy mô dân số, không phụ thuộc vào địa giới hành chính và phát huy vai trò, bảo đảm chế độ chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản để quản lý, theo dõi chăm sóc sức khỏe ban đầu thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

- Đối với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh:

+ Nâng cao năng lực bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh ở tuyến tỉnh đủ khả năng cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn;

+ Tiếp tục nâng cấp một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, ngoài nhiệm vụ phục vụ khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh còn có năng lực hỗ trợ các địa phương lân cận;

+ Kiện toàn hệ thống cấp cứu ngoại viện.

d) Nâng cao năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho cơ sở y tế dự phòng, y tế cơ sở (bao gồm cả tuyến y tế cơ sở đặc thù trong các cơ sở giam giữ, cơ sở cai nghiện, các trung tâm bảo trợ xã hội) để nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác trong phòng, chống dịch.

- Từng bước bảo đảm có phòng xét nghiệm ở cấp độ an toàn sinh học cao hơn ở các trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng.

- Huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

đ) Tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh

- Sẵn sàng thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương, bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, có cơ chế cấp phát, cung ứng thuốc phù hợp, hiệu quả bảo đảm người mắc COVID-19 được điều trị kịp thời.

- Triển khai nâng cao năng lực chuyên môn, củng cố toàn diện năng lực điều trị của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; chuẩn bị sẵn sàng giường hồi sức tích cực, bảo đảm năng lực hồi sức tích cực cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động, luân chuyển nhân lực phù hợp, kịp thời hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp dịch bệnh vượt quá khả năng điều trị của địa phương.

- Tiếp cận sớm với các thuốc điều trị đặc hiệu COVID-19; đồng thời tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam; bảo đảm chủ động được những loại thuốc cơ bản đáp ứng yêu cầu điều trị sớm.

- Thiết lập hệ thống theo dõi sức khỏe thông qua y tế cơ sở và thầy thuốc đồng hành (hỗ trợ qua điện thoại hoặc internet…); thành lập các trạm y tế lưu động khi cần thiết để bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế từ sớm, từ xa và từ cơ sở. Triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng.

- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quản lý và điều trị người mắc COVID-19 cập nhật dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện theo dõi, khám và phục hồi chức năng một cách linh hoạt, khoa học, hiệu quả cho người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh trong vòng 12 tháng.

- Bảo đảm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa thực hiện công tác kiểm soát, phòng, chống dịch vừa thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; tăng cường khám bệnh, chữa bệnh từ xa phù hợp với thực tiễn.

- Rà soát, sửa đổi, cập nhật các phác đồ điều trị COVID-19 bằng y học hiện đại, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền bảo đảm khoa học, hiệu quả.

e) Bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ cho người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19

- Thực hiện huy động nguồn nhân lực từ các địa phương, đơn vị lân cận khi dịch bùng phát; huy động lực lượng y tế ngoài công lập tham gia công tác phòng, chống dịch. Có chính sách phân bổ nhân lực hợp lý cho y tế dự phòng và y tế cơ sở, thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên có thời hạn.

- Bảo đảm cơ cấu hợp lý đội ngũ nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng có đủ năng lực về hồi sức cấp cứu.

- Nâng cao năng lực cho các lực lượng trong ngành y tế, lực lượng tại địa phương, lực lượng huy động tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là cán bộ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

- Áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; nghiên cứu chế độ đặc thù, ưu đãi với các lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch.

4. Về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội

a) Giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên toàn quốc trong mọi tình huống, tăng cường công tác bảo đảm an ninh con người, an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, an ninh công nhân, an ninh trong dân cư; không để phát sinh điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự, gây bất ổn xã hội. Tăng cường đấu tranh với các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cơ hội lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán thông tin xấu độc.

b) Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình bệnh dịch để vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong phòng, chống dịch COVID-19.

c) Chủ động bám sát, nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tâm lý người dân vùng dịch để chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

5. Về bảo đảm an sinh xã hội

a) Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh.

b) Tăng cường triển khai, ứng dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nắm sát các đối tượng cần trợ giúp về an sinh xã hội; huy động phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị cơ sở tham gia xác định đối tượng và rà soát để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, tránh bỏ sót, tránh thất thoát; bổ sung nội dung hỗ trợ an sinh xã hội để phòng, chống dịch vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

6. Về tài chính, hậu cần

a) Bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị… theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng cho các kịch bản phòng, chống dịch. Đối với một số loại thuốc và vật tư thiết yếu phải có cơ số dự phòng đủ cho tình huống xấu nhất và bổ sung vào danh mục dự trữ quốc gia. Chủ động có kế hoạch sử dụng trang thiết bị sau khi kết thúc dịch.

b) Nhà nước bảo đảm nguồn tài chính chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở huy động tổng thể nguồn lực nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác); các địa phương phải bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội.

c) Tiếp tục huy động, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; sự tự nguyện chi trả của người mắc COVID-19 khi khám, điều trị theo yêu cầu.

d) Thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch.

đ) Rút gọn, đơn giản hoá hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

e) Thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính bảo đảm an sinh xã hội theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

g) Kinh phí thực hiện Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác (gồm cả nguồn kinh phí trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ), Quỹ Bảo hiểm y tế, nguồn cá nhân tự chi trả và kinh phí huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

h) Việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bảo đảm hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí. Các cơ quan chức năng thực hiện giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch kinh phí phòng, chống dịch.

7. Bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân

a) Các địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, bảo đảm thực hiện nhất quán theo quy định, hướng dẫn thống nhất của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

b) Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại địa phương (đến tận xã, phường, tổ dân phố) và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

c) Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp; căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; liên tục cập nhật kinh nghiệm thực tiễn tốt trên thế giới về việc mở cửa lại cơ sở giáo dục, đào tạo an toàn, kịp thời; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ em để có giải pháp kịp thời.

d) Triển khai công tác phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông vận tải và lưu thông, vận chuyển hàng hóa bảo đảm không bị gián đoạn.

đ) Người dân, người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

8. Về vận động nhân dân và huy động xã hội

a) Triển khai hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

b) Tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, hội viên và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người có uy tín và đồng bào các dân tộc thiểu số; chức sắc, chức việc và đồng bào có tôn giáo tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; vận động các doanh nghiệp, tổ chức chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Đa dạng hóa các phương thức vận động, huy động xã hội trong và ngoài nước để tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn.

c) Khuyến khích các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

9. Về truyền thông, công nghệ thông tin

a) Nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch COVID-19 thông qua công tác thông tin, giáo dục, truyền thông

- Đa dạng hóa các loại hình và phương tiện, phương thức truyền thông, phong phú về nội dung, phù hợp với từng vùng miền và từng đối tượng; thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, khoa học, chính xác về dịch COVID-19, về chiến lược, hiệu quả của tiêm vắc xin phòng COVID-19.

 - Truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 hướng tới nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi hành vi của nhân dân; tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân; chống việc phân biệt đối xử, giữ bí mật riêng tư của người mắc COVID-19. Chú trọng truyền thông về những nỗ lực cống hiến, sự hy sinh của các tập thể, cá nhân trong phòng, chống dịch.

- Chủ động huy động các cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

- Triển khai có hiệu quả công tác truyền thông gắn với việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch; lan tỏa các kinh nghiệm hay, tấm gương tốt, truyền cảm hứng để cổ vũ toàn xã hội; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam phòng, chống dịch hiệu quả và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội an toàn; truyền tải kịp thời, khách quan, chính xác thông tin liên quan về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp.

b) Về công nghệ thông tin

- Triển khai thống nhất và có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo và chia sẻ thông tin về vắc xin, xét nghiệm, điều trị, hậu cần, an sinh xã hội… phục vụ phòng, chống dịch; quản lý việc đi lại của người dân, lưu thông, vận chuyển hàng hóa và quản lý xuất, nhập cảnh phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin phải thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong phòng, chống dịch.

- Xây dựng và thực hiện các phương án bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu; liên thông dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, thực hiện việc xác thực thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Thúc đẩy mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đăng ký, khám bệnh, chữa bệnh từ xa (nhất là theo dõi và chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà); hoàn thiện và đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân.

10. Về hợp tác quốc tế

a) Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường vai trò, vị thế của Việt Nam thông qua việc đóng góp, hỗ trợ và tham gia các hoạt động trong các tổ chức quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

b) Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển công nghiệp dược; tiếp cận sớm nhất có thể các loại vắc xin, thuốc, công nghệ xét nghiệm, trang thiết bị y tế thế hệ mới.

c) Xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để xúc tiến phê duyệt tài trợ và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế.

11. Về nghiên cứu khoa học

a) Tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chủ động nghiên cứu, ứng dụng vắc xin, sinh phẩm chẩn đoán, trang thiết bị y tế, phương pháp và các thuốc điều trị COVID-19 (bao gồm phương pháp và các thuốc cổ truyền)…; tạo điều kiện thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh để nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế trong nước và từng bước xuất khẩu.

b) Thực hiện nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm an toàn sinh học; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học về dịch tễ bệnh học, khoa học xét nghiệm, vắc xin và tâm lý xã hội liên quan đến dịch COVID-19.

12. Cập nhật, xây dựng và triển khai các kịch bản phòng, chống dịch COVID-19

a) Cập nhật, tổ chức triển khai thực hiện các kịch bản phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

b) Kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp phù hợp để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn."

Như vậy, theo nội dung được đề cập tại Nghị quyết này thì sẽ khẩn trương nghiên cứu tiêm vắc xin mũi thứ 4 cho người lớn. Đồng nghĩa với việc người lớn có thể sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có thông tin chính xác về thời gian tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4 cho người lớn.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Covid-19

Bùi Ngọc Mai

Covid-19
Tiêm vắc xin Covid
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Covid-19 có thể đặt câu hỏi tại đây.

TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Covid-19 Tiêm vắc xin Covid
MỚI NHẤT
Pháp luật
Trẻ mẫu giáo ở thôn đặc biệt khó khăn đi học nửa ngày do dịch Covid-19 có được hỗ trợ ăn trưa không?
Pháp luật
Mức tiền lương dùng để đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid-19 là bao nhiêu?
Pháp luật
Thực hiện 3 sạch để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác?
Pháp luật
Người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 được phép làm thêm tối đa 60 giờ trong 01 tháng?
Pháp luật
Tại sao từ ngày 01/3/2022 thân nhân của người đã mất vì dịch Covid-19 lại không còn được nhận hỗ trợ?
Pháp luật
Việc cách ly y tế đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm bệnh Covid-19 (F1) được thực hiện như thế nào?
Pháp luật
Thời gian cách ly tại nhà đối với người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 (F1) theo quy định mới nhất có còn là 14 ngày không?
Pháp luật
Từ 0h ngày 27/4/2022, tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với COVID-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh?
Pháp luật
Để phòng chống dịch Covid-19 trong trường học thì có tuyên truyền thực hiện việc tiêm vắc xin phòng Covid 19 cho học sinh không?
Pháp luật
Kế hoạch định hướng công tác Truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2023-2024?
Xem thêm...
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào