Nguyên tắc dạy thêm, học thêm mà giáo viên cần lưu ý? Giáo viên vào biên chế được dạy thêm trong trường hợp nào?
Giáo viên biên chế có được dạy thêm ở nhà hay không?
Theo quy định, pháp luật không cấm giáo viên không được dạy thêm, việc dạy thêm học thêm là rất cần thiết và bổ ích cho những trường hợp học sinh có học lực yếu kém hoặc học sinh có khả năng học tập tốt vượt trội hơn hẳn các bạn đồng trang lứa.
Tuy nhiên, hiện nay học thêm, dạy thêm biến tướng rất nhiều hình thức không mang lại hiệu quả như mục đích học thêm cho học sinh. Việc học thêm khiến học sinh quá tải về khối lượng kiến thức quá nhiều, hơn nữa các em học sinh phải học tập kín cả ngày, cả tối, không có thời gian nghỉ ngơi ảnh hưởng trực tiếp tới học lực và tinh thần của các em. Không ít các em học sinh bị trầm cảm trong một thời gian dài.
Hơn nữa, việc dạy thêm ở một số nơi, một vài trung tâm không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn tổ chức tuyển sinh để thu lợi nhuận lợi dụng lòng tin của phụ huynh và học sinh.
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm mà giáo viên cần lưu ý? Giáo viên vào biên chế được dạy thêm trong trường hợp nào? (Hình từ internet)
Trường hợp nào giáo viên vào biên chế được dạy thêm hợp pháp?
Căn cứ Điều 14 Luật Viên chức 2010 quy định quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian như sau:
- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Ngoài ra, căn cứ Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định các trường hợp không được dạy thêm đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
"Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó."
Do đó, giáo viên vào biên chế được dạy thêm đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó hoặc giảng dạy học sinh không dạy chính khóa. Giáo viên vào biên chế còn được tham gia dạy thêm nhưng không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Nguyên tắc khi dạy thêm, học thêm mà giáo viên và học sinh cần lưu ý?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định nguyên tắc dạy thêm, học thêm
- Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
- Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
- Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
- Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
- Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Trên đây là nguyên tắc dạy thêm, học thêm mà giáo viên cần lưu ý và trường hợp giáo viên vào biên chế được dạy thêm ngoài giờ giảng dạy tại nhà trường.
Cù Thị Bích Hiền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giáo viên biên chế có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?