Trợ cấp nào được coi là có tính riêng biệt? Tính riêng biệt của trợ cấp trong phòng vệ thương mại được xác định như thế nào?
Trợ cấp nào được coi là có tính riêng biệt?
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định tính riêng biệt của trợ cấp như sau:
Tính riêng biệt của trợ cấp
1. Trợ cấp quy định tại Điều 84 của Luật Quản lý ngoại thương được coi là mang tính riêng biệt khi trợ cấp chỉ áp dụng riêng cho tổ chức, cá nhân hoặc ngành sản xuất nhất định hoặc trợ cấp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân hoặc ngành sản xuất trong khu vực địa lý nhất định của nước bị điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp.
Như vậy, căn cứ Điều 84 Luật Quản lý ngoại thương 2017 có quy định về những khoản trợ cấp của Chính phủ và bất kỳ tổ chức công nào ở quốc gia có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam như sau:
Trợ cấp
Trợ cấp là sự đóng góp của Chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào ở quốc gia có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dưới các hình thức sau đây đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân nhận trợ cấp:
1. Chính phủ thực tế chuyển vốn trực tiếp cho tổ chức, cá nhân hoặc nhận nợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân;
2. Chính phủ bỏ qua hoặc không thu các khoản thu mà tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp cho Chính phủ;
3. Chính phủ cung cấp cho tổ chức, cá nhân tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ không phải là cơ sở hạ tầng chung;
4. Chính phủ mua tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ của tổ chức, cá nhân với giá cao hơn giá thị trường;
5. Chính phủ bán tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ cho tổ chức, cá nhân với giá thấp hơn giá thị trường;
6. Chính phủ góp tiền vào một cơ chế tài trợ; ủy thác, giao hoặc chỉ đạo, yêu cầu tổ chức tư nhân thực hiện một hoặc một số hoạt động được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này thông thường thuộc chức năng của Chính phủ và trong thực tế không khác với những hoạt động thông thường của Chính phủ;
7. Bất kỳ hình thức hỗ trợ về thu nhập hoặc giá;
8. Bất kỳ hình thức trợ cấp nào khác không thuộc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 của Điều này được xác định dựa trên nguyên tắc công bằng, hợp lý, không trái với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo đó, những khoản trợ cấp nêu trên được xem là có tính riêng biệt khi trợ cấp chỉ áp dụng riêng cho tổ chức, cá nhân hoặc ngành sản xuất nhất định hoặc trợ cấp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân hoặc ngành sản xuất trong khu vực địa lý nhất định của nước bị điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp.
Trợ cấp nào được coi là có tính riêng biệt? Tính riêng biệt của trợ cấp trong phòng vệ thương mại được xác định như thế nào?
Tính riêng biệt của trợ cấp trong điều tra chống trợ cấp được xác định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 21 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định tính riêng biệt của trợ cấp được xác định như sau:
- Có sự hạn chế rõ ràng cho một hoặc một nhóm các tổ chức, cá nhân hoặc cho một hoặc một nhóm ngành sản xuất nhất định được hưởng trợ cấp;
- Các tiêu chuẩn, điều kiện hưởng trợ cấp mang tính khách quan được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng không được mặc nhiên áp dụng trên thực tiễn;
- Có sự hạn chế rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân trong một vùng địa lý nhất định;
- Trong trường hợp trợ cấp không mang tính riêng biệt theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này, Cơ quan điều tra vẫn có thể xác định tính riêng biệt dựa trên việc xem xét các yếu tố bao gồm số lượng giới hạn các doanh nghiệp được hưởng trợ cấp, sự phân bổ mức trợ cấp không cân xứng và cách thức cơ quan có thẩm quyền cấp trợ cấp.
Ngoài ra, các trợ cấp theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 85 Luật Quản lý ngoại thương 2017 được xem là các trợ cấp mang tính riêng biệt, cụ thể các khoản trợ cấp này bao gồm:
+ Trợ cấp nhằm mục đích ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước hơn hàng hóa nhập khẩu;
+ Các trợ cấp quy định tại Điều 84 của Luật này làm vô hiệu hoặc ảnh hưởng đến những quyền lợi mà Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Giá trị trợ cấp trong điều tra vụ việc chống trợ cấp được xác định bằng phương pháp nào?
Căn cứ quy định tại Điều 22 Nghị định 10/2018/NĐ-CP có nội dung về việc xác định giá trị trợ cấp như sau:
- Trong trường hợp trợ cấp là một khoản cấp không hoàn lại thì giá trị trợ cấp được tính trên cơ sở giá trị thực tế cấp cho tổ chức, cá nhân được hưởng;
- Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức một khoản vay được thực hiện bởi chính phủ hoặc tổ chức công thì giá trị trợ cấp được tính trên cơ sở chênh lệch giữa mức lãi suất phải trả cho khoản vay đó theo điều kiện thị trường và mức lãi suất mà tổ chức, cá nhân thực tế phải trả cho khoản vay đó;
- Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công bảo lãnh vay thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa mức lãi suất phải trả trong trường hợp không được bảo lãnh và mức lãi suất thực tế phải trả khi được bảo lãnh;
- Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công chuyển vốn trực tiếp hoặc chuyển giao cổ phần thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở vốn thực tế mà doanh nghiệp được nhận;
- Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công mua hàng hóa, dịch vụ với giá cao hơn giá thị trường cho tổ chức, cá nhân thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa giá thị trường với giá thực tế mà chính phủ hoặc tổ chức công phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đó;
- Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công cung cấp hàng hóa, dịch vụ thấp hơn giá thị trường cho tổ chức, cá nhân thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa giá thị trường với giá bán ra thực tế của chính phủ hoặc tổ chức công cho tổ chức, cá nhân;
- Trong trường hợp trợ cấp dưới hình thức chính phủ hoặc tổ chức công bỏ qua hoặc không thu các khoản thu mà tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp thì giá trị trợ cấp được xác định trên cơ sở khoản chênh lệch giữa khoản tiền phải nộp theo quy định pháp luật với khoản tiền mà tổ chức, cá nhân thực sự nộp.
Ngoài ra thì, giá trị trợ cấp được cấp dưới hình thức khác sẽ được tính một cách công bằng, hợp lý và không trái với thông lệ quốc tế.
Trần Thị Nguyệt Mai
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phòng vệ thương mại có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong tổ chức Công đoàn Việt Nam được thực hiện như thế nào?
- Cách soạn thảo Mẫu biên bản họp chi bộ cuối năm kiểm điểm, đánh giá chất lượng? Tải về Mẫu biên bản họp chi bộ cuối năm file word?
- Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 được tổ chức trong phạm vi nào? Lưu ý khi tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam?
- Tổng hợp Lời dẫn văn nghệ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư? 05 Yêu cầu khi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư?
- Hướng dẫn 609 HD BTĐKT Hình thức biểu dương khen thưởng, gặp mặt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh?