Việc hướng dẫn triển khai ICT phát triển đô thị thông minh tại các địa phương được thực hiện như thế nào?
- Việc hướng dẫn triển khai ICT phát triển đô thị thông minh tại các địa phương được thực hiện như thế nào?
- Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc triển khai Trung tâm IOC tại các địa phương ra sao?
- Cách thức tổ chức triển khai đô thị thông minh tại địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn như thế nào?
Việc hướng dẫn triển khai ICT phát triển đô thị thông minh tại các địa phương được thực hiện như thế nào?
Ngày 20 tháng 06 năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn 2333/BTTTT-CĐSQG năm 2023 nhằm hướng dẫn triển khai ICT phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương.
Theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn nội dung nội dung triển khai ICT phát triển đô thị thông minh tại các địa phương như sau:
- Các địa phương hiện nay đang chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích ĐTTM gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ, bài toán lớn của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường,… dẫn đến hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu nhằm đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và quản lý đô thị hiệu quả, tinh gọn.
- Mỗi đô thị khác nhau phát triển ĐTTM theo những tiêu chí, những lĩnh vực khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, tính chất đô thị, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội, mức độ đầu tư mong muốn và các vấn đề đô thị phải đối mặt. Kinh nghiệm thực tế cho thấy không có 02 ĐTTM giống hệt nhau và không có một mô hình mẫu hoàn hảo để có thể áp dụng chung cho các đô thị, thành phố. Do vậy, chính quyền địa phương, đô thị phải tự xác định các vấn đề bức thiết cần giải quyết của đô thị, từ đó tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp và áp dụng một cách thông minh, hiệu quả vào đô thị. Mức độ thông minh hoàn toàn không dựa vào sản phẩm, giải pháp sẵn có của các doanh nghiệp trên thị trường mà phụ thuộc vào tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quyết tâm của người đứng đầu địa phương, đô thị.
- Để phát triển ĐTTM gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương chủ động rà soát các Đề án, Kế hoạch phát triển ĐTTM đã ban hành để kịp thời cập nhật, bổ sung các nội dung triển khai, bảo đảm bám sát 07 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo lộ trình tại Đề án 950 và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.
- Phát triển ĐTTM cần một kiến trúc ICT tổng thể để bảo đảm tính đồng bộ và bền vững trong triển khai. Hiện tại, nhiều địa phương đã phê duyệt Đề án, Kế hoạch phát triển ĐTTM nhưng chưa xây dựng và ban hành Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương đã phê duyệt Đề án, Kế hoạch phát triển ĐTTM sớm xây dựng và ban hành Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM, bảo đảm gắn kết, kế thừa các thành phần chức năng của Kiến trúc với Kiến trúc Chính quyền điện tử của địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM phiên bản 1.0 (tại Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019) là cơ sở để các địa phương xây dựng Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM.
- Các địa phương khi phát triển ĐTTM phải quan tâm thích đáng đến việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng, ban hành Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả triển khai ĐTTM trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 3098/BTTTT- KHCN ngày 13/9/2019 về việc công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0). Định kỳ đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của ĐTTM để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia với chính quyền ngay từ khi bắt đầu triển khai ĐTTM. Xây dựng công cụ cho phép đo lường mức độ quan tâm, mức độ sử dụng, mức độ hài lòng của người dân để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ ĐTTM.
Việc hướng dẫn triển khai ICT phát triển đô thị thông minh tại các địa phương được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc triển khai Trung tâm IOC tại các địa phương ra sao?
Tại Công văn 2333/BTTTT-CĐSQG năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc triển khai Trung tâm IOC tại các địa phương như sau:
Đến nay một số địa phương đã đầu tư từ ngân sách nhà nước, một số địa phương hợp tác với doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm, thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp, một số địa phương đầu tư một phần và doanh nghiệp tài trợ một phần. Nhìn chung, Trung tâm IOC cấp tỉnh đều được tích hợp thông tin các dịch vụ ĐTTM chủ yếu bao gồm các dịch vụ: phản ánh hiện trường, giám sát giao thông, giám sát an ninh trật tự, quan trắc chất lượng môi trường, giám sát thông tin trên môi trường mạng, các dịch vụ y tế, giáo dục,... và tích hợp thông tin, dữ liệu từ các hệ thống chính quyền điện tử như hệ thống văn bản điều hành, Cổng dịch vụ công, hệ thống báo cáo, các hệ thống, cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực. Các số liệu được tổng hợp và hiển thị trực quan dưới dạng biểu đồ giúp người sử dụng dễ hình dung và so sánh.
Việc triển khai Trung tâm IOC bước đầu giúp Lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn tổng quan về các số liệu liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương cũng như của các ngành, lĩnh vực tùy thuộc vào mức độ nhiều hay ít các số liệu được tích hợp về Trung tâm IOC.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương đặc biệt lưu ý các vấn đề sau trong triển khai Trung tâm IOC:
- Không nóng vội trong triển khai Trung tâm IOC, không triển khai Trung tâm IOC khi chưa xác định rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu cụ thể, chưa bảo đảm sẵn sàng các yếu tố cần thiết cho việc duy trì, vận hành và chưa xác định rõ các tiêu chí, chỉ tiêu đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai Trung tâm IOC.
- Các địa phương phải chủ động xác định bài toán cụ thể khi triển khai Trung tâm IOC để giải quyết các vấn đề mang tính đặc thù, đặc trưng của địa phương, đô thị, không phụ thuộc vào các sản phẩm, giải pháp sẵn có của doanh nghiệp, chủ động xác định bài toán để đặt hàng với doanh nghiệp công nghệ và làm chủ công nghệ, làm chủ các nguồn dữ liệu của Trung tâm IOC.
- Các yếu tố thông minh và hiệu quả khai thác sử dụng Trung tâm IOC chủ yếu nằm ở hệ thống phần mềm của Trung tâm IOC, hệ thống màn hình hiển thị (dashboard) chỉ giúp hiển thị thông tin, dữ liệu một cách trực quan trên hệ thống màn hình lớn để dễ dàng quan sát, phù hợp với việc giám sát, điều hành các hoạt động thường ngày của đô thị gắn với hiện trường như giám sát giao thông, an ninh trật tự,... Do vậy, các địa phương cần cân nhắc việc triển khai phòng giám sát, điều hành với hệ thống dashboard nếu chỉ hiển thị các thông tin, dữ liệu mang tính thống kê, tổng hợp.
- Hiện nay, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc hình thành hạ tầng dữ liệu, chưa có chiến lược dữ liệu trong khi dữ liệu là yếu tố cốt lõi của Trung tâm IOC. Các chức năng thông minh, có tính đổi mới, sáng tạo như phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định chưa được thể hiện rõ trong kết quả triển khai Trung tâm IOC của các địa phương, trong đó nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu có vai trò quyết định đến yếu tố thông minh của Trung tâm IOC. Do vậy, các địa phương cần sớm xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển ĐTTM. Thành lập tổ liên ngành phân tích dữ liệu phục vụ lãnh đạo chính quyền trong chỉ đạo, điều hành.
- Mức đầu tư cho Trung tâm IOC giữa các địa phương là rất khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro lãng phí trong triển khai nếu không xác định và đánh giá rõ được hiệu quả triển khai.
Cách thức tổ chức triển khai đô thị thông minh tại địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn như thế nào?
Tại Công văn 2333/BTTTT-CĐSQG năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cách thức tổ chức triển khai đô thị thông minh tại địa phương như sau:
- Người đứng đầu địa phương phải trực tiếp vào cuộc để xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển ĐTTM tại địa phương. Trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai ĐTTM tại địa phương.
- Phát triển ĐTTM đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó người dân phải được tham gia ngay từ đầu khi chính quyền xây dựng chính sách phát triển ĐTTM, không nên thực hiện theo cách áp đặt từ trên xuống. Tư duy lấy người dân làm trung tâm phải được định hình ngay từ khi thiết kế ĐTTM.
- Thực hiện dần từng bước, tổ chức thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.
- Hiện nay tuy chưa có sự chồng chéo nhưng có sự thiếu đồng bộ trong tổ chức triển khai ĐTTM. Hầu hết các địa phương giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phát triển ĐTTM trong khi Bộ Xây dựng đang thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Đề án 950. Vai trò của ngành xây dựng trong phát triển ĐTTM tại các địa phương cần được quan tâm đúng mức để triển khai đồng bộ các nội dung về quy hoạch và quản lý ĐTTM.
Võ Thị Mai Khanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đô thị thông minh có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn về mắt đi nghĩa vụ quân sự 2025 chính thức theo hướng dẫn mới nhất của Bô Quốc phòng?
- Chương trình họp đánh giá đảng viên cuối năm? Đảng viên đang sinh hoạt đảng tạm thời có được đánh giá xếp loại?
- Mẫu Bản cam kết thực hiện Pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh THPT mới nhất? Hướng dẫn cách viết?
- Mẫu sổ dự giờ tiểu học file word mới nhất? Một số mẫu lời nhận xét dự giờ dạy của giáo viên tiểu học?
- Thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước của Bộ Kế hoạch và đầu tư thuộc về ai?