Trong tố tụng hình sự, người giám định đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó thì kết luận giám định của họ có giá trị pháp lý không?
- Người giám định trong tố tụng hình sự đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó thì có bị thay đổi không?
- Trong tố tụng hình sự, người giám định đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó thì kết luận giám định của họ có giá trị pháp lý không?
- Người giám định kết luận gian dối thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người giám định trong tố tụng hình sự đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó thì có bị thay đổi không?
Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi được quy định tại khoản 5 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Người giám định
...
5. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó;
c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
...
Theo quy định trên, người giám định đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó sẽ phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi.
Người giám định (Hình từ Internet)
Trong tố tụng hình sự, người giám định đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó thì kết luận giám định của họ có giá trị pháp lý không?
Giá trị pháp lý của kết luận giám định được quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Kết luận giám định
1. Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kết luận về vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó.
Nếu việc giám định do tập thể giám định tiến hành thì tất cả thành viên đều ký vào bản kết luận. Trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
4. Kết luận giám định của người được trưng cầu giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Theo quy định trên, kết luận giám định của người được trưng cầu giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Như đã phân tích ở trên, người giám định đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó sẽ phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi. Do đó, kết luận giám định của người này sẽ không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Người giám định kết luận gian dối thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người giám định kết luận gian dối thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối được quy định tại Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm u khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối
1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội mà người giám định kết luận gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các khung hình phạt được quy định tại Điều 382 nêu trên. Trong đó mức phạt tù cao nhất là 07 năm tù.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tố tụng hình sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?