Việc hòa giải tòa án được thực hiện theo nguyên tắc nào? Trường hợp nào không phải tiến hành hòa giải tại tòa án?
Hòa giải tại tòa án là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, hòa giải tại tòa án được hiểu là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này.
Phương thức hòa giải theo quy định mới nhất hiện nay như thế nào?
Tại quy định Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án cụ thể như sau:
- Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.
- Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên.
- Phiên hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên.
- Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên; yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.
Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.
Việc hòa giải tòa án được thực hiện theo nguyên tắc nào? Trường hợp nào không phải tiến hành hòa giải tại tòa án?
Việc hòa giải tòa án được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, việc hòa giải tại tòa án được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
- Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.
- Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.
- Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
- Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
- Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.
- Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.
- Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.
Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.
- Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại.
Những trường hợp nào không tiến hành hòa giải tại Tòa án?
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, những trường hợp không tiến hành hòa giải tại Tòa án là:
- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
- Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
- Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.
- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
- Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.
- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những quy định pháp luật mới nhất liên quan đến vấn đề hòa giải tại tòa án về nguyên tắc, phương thức hòa giải cũng như những trường hợp nào không phải tiến hành hòa giải tại tòa án. Bạn có thể tham khảo các quy định trên để đảm bảo quá trình hòa giải tại tòa án được tiến hành theo đúng quy định pháp luật.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hòa giải có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?