Việc thực hiện kê khai tài sản thu nhập bổ sung và kê khai thu nhập hằng năm khác nhau như thế nào?
Việc thực hiện kê khai tài sản thu nhập bổ sung và kê khai thu nhập hằng năm khác nhau như thế nào?
Theo Điều 36 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, hiện hành có các loại kê khai tài sản, thu nhập sau:
- Kê khai lần đầu: Áp dụng đối với trường hợp tại khoản 1.
- Kê khai hằng năm được thực hiện đối với những trường hợp sau:
+ Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12;
+ Người không thuộc quy định tại điểm a khoản này làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.
- Kê khai phục vụ công tác cán bộ: Áp dụng đối với trường hợp tại khoản 4.
- Kê khai bổ sung: Áp dụng khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên và chưa thực hiện kê khai hằng năm.
Như vậy, việc kê khai bổ sung được thực hiện khi thỏa 2 điều kiện sau:
- Người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.
- Người có nghĩa vụ kê khai chưa thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong năm.
Để dễ hình dung anh có thể theo dõi một số ví dụ sau:
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A là Giám đốc Sở Tài chính, A có trách nhiệm thực hiện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. A đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm vào năm 2022, năm 2023 chưa đến thời điểm kê khai cuối cùng nên A chưa thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Ngày 24/11/2023 A có được chị gái tặng cho thửa đất có giá trị 1 tỷ đồng. Lúc này, tài sản, thu nhập trong năm 2023 của A biến động so với tài sản, thu nhập năm 2022 trên 300 triệu đồng. Theo quy định tại Điều 36 Luật Phòng chống tham nhũng thì A có thể lựa chọn kê khai như sau: - A kê khai bổ sung biến động về tài sản và thu nhập trước thời điểm kê khai hằng năm, sau đó đến thời điểm kê khai hằng năm thì tiếp tục thực hiện kê khai hằng năm. - A có thể không cần kê khai bổ sung biến động về tài sản, thu nhập mà có thể lựa chọn kê khai hằng năm. |
Ví dụ 2: Nguyễn Văn B mới trúng tuyển công chức cấp xã. Theo quy định, B phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác. B đã thực hiện đúng theo quy định và thực hiện kê khai lần đầu vào ngày 05/07/2021. B không thuộc đối tượng phải kê khai hằng năm, do đó B chỉ có nghĩa vụ thực hiện kê khai lần đầu. Tuy nhiên, đến ngày 24/11/2023 B có được tặng cho một xe ô tô trị giá 600 triệu đồng. Lúc này, tài sản, thu nhập của B đã biến động vượt quá 300 triệu đồng trong năm. Do đó, B có nghĩa vụ phải thực hiện kê khai bổ sung biến động về tái sản, thu nhập trước ngày 31/12/2023. |
Kê khai tài sản thu nhập (Hình từ Internet)
Tổ chức việc kê khai tài sản thu nhập được quy định như thế nào?
Tổ chức việc kê khai tài sản thu nhập được quy định tại Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 như sau:
Tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập như sau:
a) Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai và gửi cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền;
b) Hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập cho người có nghĩa vụ kê khai;
c) Lập sổ theo dõi kê khai, giao, nhận bản kê khai.
2. Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm kê khai theo mẫu và gửi bản kê khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai.
Bản kê khai tài sản thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có bắt buộc công khai không?
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có bắt buộc công khai không, thì theo khoản 2 Điều 39 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 như sau:
Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập
1. Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
2. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
3. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.
4. Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5. Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
6. Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai quy định tại các khoản 1,2 và 5 Điều này.
Theo đó, bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
Nguyễn Nhật Vy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Kê khai tài sản có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?
- Chi cục thuế Hà Nội ở đâu? Tổng hợp danh sách số điện thoại, các phòng và các chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội chuẩn, chính xác?
- Hạn chót nộp bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2A, 2B là khi nào? Nội dung cần làm rõ trong bản kiểm điểm?
- Đảng viên nào được miễn kiểm điểm cuối năm nay? Trách nhiệm, quyền hạn của Đảng viên được miễn kiểm điểm cuối năm nay?