Việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự được thực hiện trên cơ sở nào? Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự?
Việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự được thực hiện trên cơ sở nào?
Nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 274 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Nghĩa vụ
Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, cá nhân, pháp nhân xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Đồng thời, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự được thực hiện trên cơ sở nào? Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự? (hình từ internet)
Hành vi pháp lý đơn phương có là căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự?
Căn cứ phát sinh nghĩa vụ được quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Căn cứ phát sinh nghĩa vụ
Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:
1. Hợp đồng.
2. Hành vi pháp lý đơn phương.
3. Thực hiện công việc không có ủy quyền.
4. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
5. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
6. Căn cứ khác do pháp luật quy định.
Theo đó, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ căn cứ sau đây:
- Hợp đồng.
- Hành vi pháp lý đơn phương.
- Thực hiện công việc không có ủy quyền.
- Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
- Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
- Căn cứ khác do pháp luật quy định.
Như vậy, hành vi pháp lý đơn phương là một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự.
Lưu ý: Tại Điều 276 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đối tượng của nghĩa vụ dân sự:
- Đối tượng của nghĩa vụ dân sự là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện.
- Đối tượng của nghĩa vụ dân sự phải được xác định.
Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự được quy định như thế nào?
Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 99 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
(1) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trừ trường hợp tài sản đã được chuyển giao cho pháp nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 99 Bộ luật Dân sự 2015.
(2) Pháp nhân do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương thành lập không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương.
(3) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của pháp nhân do mình thành lập, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương bảo lãnh cho nghĩa vụ dân sự của pháp nhân này theo quy định của pháp luật.
(4) Cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, ở địa phương, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Nguyễn Phạm Đài Trang
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nghĩa vụ dân sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?