Xóa giấy phép con: 'Sẽ rất dễ và cũng có thể rất khó'

29/08/2017 11:54 AM

Được Thủ tướng mời phát biểu tại phiên họp Chính phủ và yêu cầu các Bộ trưởng chú ý lắng nghe, các chuyên gia cho rằng việc cải cách các điều kiện kinh doanh, xóa bỏ giấy phép con sẽ rất dễ nếu các Bộ trưởng đồng tình ủng hộ và ngược lại.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/8 vừa qua, một trong những nội dung được tập trung thảo luận là các báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực trạng các điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật. - Ảnh: VGP

Cải cách “rất dễ nếu các Bộ trưởng ủng hộ”

Mời Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung phát biểu, Thủ tướng đề nghị “nói nghe tình hình bức xúc nhất là gì” và yêu cầu các Bộ trưởng chú ý lắng nghe.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là một trong những vấn đề bức bối trong hệ thống pháp luật về kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

“Với hàng trăm văn bản được ban hành và đã theo dõi vấn đề này 20 năm, tôi suy nghĩ mãi và thấy rằng về mặt ngôn ngữ, khó tìm ra được một từ để mô tả tính phức tạp của các quy định về điều kiện kinh doanh, phải kết hợp với các hình ảnh nữa mới mô tả được bản chất của nó”, vị Viện trưởng phát biểu.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, tính chất phức tạp và các hạn chế của các quy định về điều kiện kinh doanh đã hạn chế sự phát triển các sản phẩm mới, quy trình mới, cách làm mới và công nghệ mới trong nền kinh tế, làm cho tính năng động của nền kinh tế kém hơn.

Mặt khác, việc quản lý theo cách mô tả quy trình khiến hoạt động quản lý trong nhiều trường hợp trở nên hành chính hóa, quan liêu hóa, hình thức hóa, trì trệ trước sự phát triển, đổi mới của nền kinh tế. “Trong quá trình thực hiện, ở bên dưới luôn ở thế thủ, làm cho mình an toàn nhất chứ không năng động, sáng tạo để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề. Quản lý theo cách như vậy trở nên vô cảm trước các vấn đề cần giải quyết”, ông Cung phân tích.

Viện trưởng CIEM khẳng định rằng việc cải cách các điều kiện kinh doanh là một yêu cầu mang tính quyết định để tăng quy mô và chất lượng của phần cung nền kinh tế, để  tăng trưởng GDP đạt mức 7-8%/năm. Nếu không, tăng trưởng GDP không thể vượt lên mức đó. “Chúng tôi kiến nghị bãi bỏ khoảng một nửa trong số hơn 4.000 điều kiện kinh doanh với những lý do đã phân tích rất kỹ trong báo cáo”, ông Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. - Ảnh: VGP

Cũng theo vị Viện trưởng, việc cải cách “sẽ rất dễ và cũng có thể rất khó”. Sẽ rất dễ nếu được các Bộ trưởng đồng tình ủng hộ, bởi nếu chỉ dừng lại ở cam kết mạnh mẽ thì chưa đủ, phải hành động quyết định, theo đến cùng, truy đến cùng trách nhiệm để tạo áp lực với cấp trung gian trong thay đổi cách thức quản lý, để đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ Thủ tướng trong nỗ lực cải cách. Còn nếu không thì việc cải cách sẽ rất khó.

Thủ tướng “rất cám ơn” phần phát biểu của TS Nguyễn Đình Cung và nhắc nhở các bộ ngành sinh ra nhiều thủ tục phức tạp.

Phải thay đổi tư duy theo yêu cầu của Thủ tướng

Được Thủ tướng yêu cầu phát biểu tiếp theo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhắc lại buổi kiểm tra hôm 21/8 do Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện với 11 bộ ngành về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh là hai nội dung rất quan trọng để thực hiện các Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ.

Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng và giải pháp quan trọng, bền vững nhất là cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân.

“Nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam dù đã có rất nhiều cải cách, nhưng khái quát lại thì vẫn chi phí cao và rào cản lắm. Các cải cách, chương trình của Chính phủ đều nhằm giảm chi phí và rào cản”, ông Lộc phát biểu và nhắc lại việc cách đây 1 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu “không bàn lùi” khi xây dựng 50 nghị định về điều kiện kinh doanh, với kết quả là đã xóa bỏ được hàng ngàn điều kiện, tạo một bước đột phá.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. - Ảnh: VGP

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng từ đó tới nay, dù chủ trương của Chính phủ là liên tục rà xét và cải cách điều kiện kinh doanh nhưng các Bộ hầu như “án binh bất động”. Các điều kiện kinh doanh vẫn nặng nề.

Hệ quả là, dù chủ trương chung của Chính phủ, Thủ tướng là thúc đẩy khởi nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng các điều kiện kinh doanh đang tác động mạnh vào những đối tượng này. Nguyên nhân là nhiều điều kiện kinh doanh đang có xu hướng áp đặt về quy mô doanh nghiệp, can thiệp quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, can thiệp thị trường bằng biện pháp hành chính và thiếu minh bạch. Tuy thực trạng này tác động tới tất cả các doanh nghiệp nhưng nặng nhất là vào các khu vực doanh nghiệp nói trên.

Do đó, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ nhất trí cao với đề xuất cắt giảm các điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyển sang phương thức quản lý khác bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuyển sang hậu kiểm.

“Thủ tướng, Chính phủ đã quyết liệt hướng tới chuẩn OECD và ASEAN-4, mà so vào đó thì các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành phải cải cách rất nhiều. Người dân, doanh nghiệp liên tục phàn nàn nhưng sự tháo gỡ thì khá chậm trễ”, ông Lộc thẳng thắn.

Để làm được những điều này, Chủ tịch VCCI cho rằng trước hết phải thay đổi tư duy như Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở. Bởi tinh thần quản lý phải thúc đẩy phát triển, quản lý phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm vẫn chưa thấm đến tất cả các công chức, cán bộ, kể cả cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu chính sách.

Thứ hai, ông Vũ Tiến Lộc đồng ý với ý kiến của Văn phòng Chính phủ về đề xuất xây dựng một Nghị định về kiểm soát điều kiện kinh doanh, cụ thể hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, thủ tục, điều kiện để ra điều kiện kinh doanh. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục này thì không ban hành điều kiện kinh doanh.

Thứ ba, Chủ tịch VCCI đề nghị giao các bộ ngành tự rà xét các điều kiện kinh doanh, đồng thời cần tăng cường hoạt động rà xét độc lập. “Tôi cũng rất mong có những cuộc đối thoại như năm ngoái Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì làm việc với các bộ ngành khi xây dựng 50 nghị định về điều kiện kinh doanh”, ông Lộc phát biểu.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc lắng nghe các báo cáo, ý kiến là phương pháp tốt để các Bộ trưởng, Thứ trưởng nhận thấy bất cập trong lĩnh vực quản lý. Các báo cáo cho thấy  các quy định về điều kiện kinh doanh còn nhiều bất cập, phát sinh nhiều thủ tục, tăng chi phí không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu các kết quả rà soát nói trên, chủ động tự rà soát để sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Các bộ, ngành phải chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI, lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo sự đồng thuận về các kiến nghị sửa đổi.

Việc rà soát kiến nghị sửa đổi nói trên cần đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để đối thoại thường xuyên hơn nữa về các điều kiện đầu tư kinh doanh để đưa ra phương án bãi bỏ.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng một nghị định hoặc một chỉ thị về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2017.

Hà Chính

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,610

CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]