Theo Bộ Công Thương, các điều kiện kinh doanh về bồn chứa dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường. Ảnh internet.
Bỏ quy định bồn chứa
Bộ Công Thương vừa mới hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19. Theo tờ trình của Bộ Công Thương, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 15/5/2016) đã đóng góp tích cực đối với thị trường kinh doanh khí, đặc biệt là thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong thời gian qua.
Các quy định trong Nghị định được đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường kinh doanh khí minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam ổn định và bám sát diễn biến trên thị trường khí quốc tế.
Tuy nhiên, “sau khi triển khai áp dụng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập cần phải xem xét, đánh giá tổng thể và hoàn thiện”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công Thương dự kiến sửa đổi, bổ sung 6 điểm theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước tiên, Bộ Công Thương đề xuất bỏ quy định thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG. Bỏ các điều kiện về quy mô kinh doanh như cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu, số lượng chai chứa LPG. Cụ thể: bỏ quy định điều kiện về bồn chứa khí, chai chứa LPG đối với thương nhân phân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phối khí quy định tại Điều 7 và Điều 9 của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP
Bởi lẽ, việc quy định điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 đối với LPG; 60.000m3 đối với LNG; 200.000 Sm3 đối với CNG, có số lượng chai LPG với tổng dung tích chứa tối thiểu 3.930.000 lít… tại Điều 7 và Điều 9 là quá lớn.
Các điều kiện kinh doanh trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động có hiệu quả.
Điều này sẽ gây ra những thiệt hại cho các doanh nghiệp nói trên. Các doanh nghiệp này muốn tiếp tục kinh doanh thì phải đáp ứng được các điều kiện trên tức là bình quân mỗi doanh nghiệp sẽ buộc phải đầu tư thêm từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thương nhân phối mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, Bộ Công Thương đề xuất bỏ các điều kiện trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, trạm cấp khí phải thuộc sở hữu của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phân phối khí.
Thứ ba, cơ quan này cũng đề xuất bỏ loại hình thương nhân phân phối khí, tổng đại lý và đại lý kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và thay vào đó dự thảo Nghị định sẽ không quy định nhiều tầng nấc như trước đây mà sẽ tinh giản tối đa các loại hình thương nhân kinh doanh khí.
Cụ thể, dự thảo Nghị định chỉ còn lại các loại hình thương nhân sau: Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất chế biến khí; thương nhân kinh doanh mua bán khí và cửa hàng bán lẻ LPG chai.
Kinh doanh khí không phải thiết lập hệ thống phân phối
Theo Bộ Công Thương, việc quy định thương nhân phải thiết lập hệ thống phân phối như Nghị định 19 vô hình trung cản trở doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh, chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp và tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Việc thiết lập hệ thống phân phối hay không là do sự tự chủ của doanh nghiệp căn cứ vào quy mô và năng lực của mình để thiết lập đảm bảo phù hợp các quy định về thiết lập đại lý như quy định của Luật Thương mại, không nhất thiết tất cả các thương nhân kinh doanh khí đều phải thiết lập hệ thống phân phối của mình như Nghị định đã quy định.
Với tinh thần như vậy, Nhà nước không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Mục tiêu khi sửa đổi Nghị định 19 là tạo lập hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khí được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.
Do đó, để đáp ứng mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất bỏ quy định thương nhân kinh doanh khí phải thiết lập hệ thống phân phối khí. Đây là đề xuất thứ tư.
Mặt khác, mặt hàng khí là mặt hàng năng lượng đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống dân sinh.
Tuy nhiên, mặt hàng này theo quy định của pháp luật không phải là mặt hàng bắt buộc phải dự trữ lưu thông mà chỉ là mặt hàng (khí dầu mỏ hóa lỏng) thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.
Do vậy, đề xuất thứ năm Bộ Công Thương là bỏ quy định dự trữ lưu thông khí quy định tại Điều 49 của Nghị định 19.
Đề xuất thứ sáu là bổ sung các quy định liên quan đến an toàn đối với cơ sở tồn chứa khí (bồn chứa khí; kho chứa khí; đường ống vận chuyển khí); an toàn đối với trạm nạp, trạm cấp khí; an toàn trong vận chuyển giao nhận khí; an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai; an toàn đối với cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG; quy định điều kiện đối với cơ sản kiểm định chai chứa LPG và cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở này.
Để hạn chế tình trạng chiếm dụng trái phép, tranh giành chai LPG; nạn cưa tai mài vỏ chai LPG diễn ra thường xuyên gây mất an toàn, cháy nổ, ảnh hưởng đến tính mạng của con người khi sử dụng gas, khi tiến hành sửa đổi Nghị định 19 sẽ bổ sung một chương quy định riêng về quản lý an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra hậu kiểm đối với các thương nhân kinh doanh khí và tăng cường phân cấp cho các lực lượng ở địa phương để kiểm tra giám sát các thương nhân trong việc thực hiện trong lĩnh vực này. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của thương nhân trong hoạt động kinh doanh khí, đảm bảo an toàn, tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng.
Phan Thu
Theo Báo Hải quan