Cụ thể, Nghị định quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập, cho phép thành lập khi có đề án thành lập và đáp ứng các điều kiện sau:
1- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (bộ); quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND). Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi thành lập phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định.
2- Quy mô đào tạo: a) Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp: Quy mô đào tạo trình độ sơ cấp tối thiểu 150 học sinh/năm; b) Đối với trường trung cấp: Quy mô đào tạo trình độ trung cấp tối thiểu 250 học sinh/năm; c) Đối với trường cao đẳng: Quy mô đào tạo trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp tối thiểu là 500 học sinh, sinh viên/năm.
3- Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000 m2; đối với trường trung cấp là 20.000 m2; đối với trường cao đẳng là 50.000 m2.
4- Vốn đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, cụ thể như sau: Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp tối thiểu là 5 tỷ đồng; đối với trường trung cấp tối thiểu là 50 tỷ đồng; đối với trường cao đẳng tối thiểu là 100 tỷ đồng.
5- Đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này (dự kiến về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý).
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật, Nghị định quy định cơ sở phải bảo đảm các điều kiện theo quy định trên và các điều kiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 18 của Luật giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ về điều kiện thành lập, cho phép thành lập phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng. Theo đó, trường trung cấp, trường cao đẳng phải có đề án thành lập, cho phép thành lập phân hiệu, bao gồm các nội dung sau: 1- Sự cần thiết thành lập phân hiệu; 2- Tên gọi, phạm vi hoạt động phân hiệu; 3- Kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo tương ứng với từng giai đoạn phát triển phân hiệu; 4- Dự kiến về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng các điều kiện về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này.
Phương Nhi
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ