Bỏ nhiều điều kiện để được xuất khẩu gạo

07/05/2017 13:31 PM

Những quy định về kho chứa, cơ sở xay xát sẽ được bãi bỏ để thay vào các tiêu chí về chất lượng, đồng thời sẽ tăng thêm trách nhiệm quản lý cho các bộ, ngành mà đặc biệt là Bộ Công Thương.

Đó là những nội dung được đưa ra trong dự thảo thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Nghị định 109 đã có tác dụng sàng lọc, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài. Hiện số lượng thương nhân tương đối ổn định với 150 doanh nghiệp, năng lực kho chứa, xay, xát, sấy lúa được cải thiện. Các thương nhân cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc gạo với người nông dân.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng thừa nhận những điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo về kho chứa, cơ sở xay, xát đã khiến cho những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ khó đáp ứng.

Do đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân hay những doanh nghiệp có thị trường, khách hàng nhưng không có năng lực tài chính, vốn, đất đai để đầu tư kho chứa nên không được cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra là những bất cập trong dự trữ lưu thông, hợp đồng tập trung và hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung; đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo; quy định về giá sàn; công tác điều hành và trách nhiệm các bộ, ngành...

Do vậy, Bộ Công Thương cho biết trong dự thảo Nghị định sẽ không quy định điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng các cơ sở này.

Theo đó, chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm...

Đồng thời bổ sung quy định đối với thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo.

Với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân sẽ được xuất khẩu mà không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận; khi xuất khẩu chỉ cần thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu, thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan.

Dự thảo cũng bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định về giá sàn gạo xuất khẩu. Đồng thời giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5%.

Quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), hay thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu cũng được bãi bỏ. Thay vào đó là quy định áp dụng phương thức thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, dự thảo sẽ bổ sung thêm quy định như liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo, công tác phát triển thị trường xuất khẩu, việc ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo với các nước.

Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo cũng được xác định rõ, trong đó Bộ Công Thương có vai trò chính. Trường hợp nhiều thương nhân được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường tập trung và thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên cũng được bổ sung thêm quy định...

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,492

CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]