Tập đoàn, tổng công ty ”chạy” tiến độ thoái vốn

09/05/2015 15:20 PM

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn khoảng 20.000 tỷ đồng. Để theo kịp tiến độ mà Chính phủ đặt ra, các DNNN đang quyết tâm đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình thực thi.

Một số tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ đã tích cực triển khai công tác thoái vốn và đạt kết quả cao như Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Trong đó, riêng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cienco 1, Cienco 4, CTCP Cảng Quảng Ninh; thoái 20% vốn điều lệ tại CTCP Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), Tổng công ty Vận tải thủy và đang thực hiện thoái vốn tại CTCP Cảng Đoạn Xá, Cảng Quy Nhơn, 7 CTCP thuộc Tổng công ty Đường sắt.

Tính riêng quý I/2015, tổng số vốn thoái tại các DN thu về 6.987 tỷ đồng, bằng 1,42 lần theo giá trị sổ sách là 4.937 tỷ đồng.

Hiện tại, một số DNNN như Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Giấy Việt Nam… đang tích cực thực hiện thoái vốn tại các DN thành viên để theo đúng tiến độ.

Theo số liệu của Bộ GTVT, trong 4 tháng đầu năm 2015, Bộ đã phê duyệt danh sách cổ phần hóa và thoái vốn tại 28 DN, 2 công ty mẹ. Sự quyết tâm của các DN còn được thể hiện bằng những cam kết cụ thể.

Mới đây, lãnh đạo 14 tổng công ty thuộc UBND TP. HCM đã cùng ký cam kết thoái tổng cộng 3.308 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành trong năm 2015. Trong trường hợp không thoái vốn đúng hạn, sẽ bị kỷ luật theo quyết định của UBND Thành phố.

Trên thực tế, việc thoái vốn, bán cổ phần vẫn còn nhiều khó khăn, khiến không ít DN lớn bị chậm tiến độ, hoặc bán cổ phần thất bại.

Trong vai trò nhà tư vấn cho nhiều DNNN thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn, ông Tào Minh Dương, Giám đốc khối tư vấn, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, hiện nay có rất nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện cổ phần hóa đối với các DNNN.

Trước hết phải đề cập đến khung pháp lý. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN; Bộ Tài chính cũng đã ban hành Công văn số 2660/BTC-UBCK ngày 26/2/2015 hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến thoái vốn thông qua đấu giá cổ phần thực hiện theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.

Với hai văn bản này, nút thắt trong việc đăng ký với UBCK về chào bán đấu giá cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty đã cơ bản được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhiều quy định vẫn còn có vướng mắc, như việc định giá cổ phiếu chào bán phải được đơn vị có chức năng thẩm định giá thực hiện.

Theo đó, để bán đấu giá cổ phần, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thuê tới 2 đơn vị tư vấn phục vụ cho việc này, đó là đơn vị có chức năng thẩm định giá để thực hiện việc định giá và CTCK để thực hiện việc bán cổ phần. Điều này khiến DN tốn thời gian, công sức hơn, dẫn đến chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, quy trình bán đấu giá, thoái vốn cổ phần cũng không được quy định cụ thể, các tập đoàn, tổng công ty phải tham khảo theo quy định về đấu giá DNNN cổ phần hoá để thực hiện, cũng làm thời gian thực hiện bị kéo dài.

“Các CTCK là đơn vị hàng ngày thực hiện việc định giá cổ phiếu để tư vấn đầu tư, nhưng lại không được phép thực hiện xác định giá khởi điểm để chào bán cổ phần vì họ không có chức năng thẩm định giá. Đã là bán đấu giá công khai thì giá khởi điểm chỉ đóng một vai trò nhất định, còn lại do thị trường quyết định giá”, ông Dương nói.

Trong năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) và ngoài ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Trước đây, việc thoái vốn chậm là do các văn bản quy phạm pháp luật về thoái vốn còn thiếu hoặc không phù hợp, nay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thoái vốn đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, nhưng việc triển khai thoái vốn tại nhiều đơn vị vẫn không có nhiều tiến triển.

Nguyên nhân, không ít DNNN vẫn tồn tại khá nhiều khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số khoản đầu tư thậm chí thua lỗ nặng nề, dẫn đến không thu hút, hấp dẫn được các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, việc chưa có quy định cho việc bán đấu giá nguyên lô cũng làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Một giải pháp quan trọng cho việc này là việc bán cổ phần theo cơ chế thoả thuận.

Theo cơ chế này, bên mua được tìm hiểu kỹ thông tin về bên bán, được làm việc với bên bán về các cam kết hợp tác sau khi mua cổ phần; đồng thời tăng thêm vai trò của nhà môi giới, bởi với mức phí tìm kiếm nhà đầu tư thoả đáng, sẽ thúc đẩy các tổ chức môi giới trong việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia mua cổ phần cho các DNNN thoái vốn. Tuy nhiên, phương thức bán thoả thuận được quy định chưa rõ ràng trong các văn bản hiện hành.

“Mặc dù các đề án tái cấu trúc, tiêu chí phân loại DNNN hay các quyết định về cơ chế, phương thức thoái vốn đã được ban hành, nhưng một số bộ quản lý ngành, tập đoàn và tổng công ty nhà nước chưa thật sự quyết liệt trong việc triển khai. Điều này dẫn đến việc tiến độ thoái vốn diễn ra chậm trong thời gian qua. Để thực hiện theo đúng cam kết, cần đốc thúc các bộ ban ngành và bản thân các DNNN cũng cần quyết tâm cao hơn nữa”, ông Dương nói.

Hoàng Anh

Theo Tinnhanhchungkhoan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,715

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]