Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang tắc đường trong mùa vải thiều 2014. Ảnh: VNExpress
Sản xuất 200.000 tấn quả tươi
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT và từ hai tỉnh trồng vải chính là Bắc Giang và Hải Dương, tổng sản lượng vải thiều năm 2015 ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Tại một số huyện của tỉnh Bắc Giang như Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn, vải sẽ được thu hoạch sớm, dự kiến từ 15/5-5/6. Đợt thu hoạch chính vụ dự kiến từ 1/6 đến 20/7.
Với tổng sản lượng ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi, dự báo sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60% (chủ yếu là quả tươi), xuất khẩu khoảng 40% (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).
Thị trường phía Nam vẫn được đánh giá là khu vực tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường truyền thống quan trọng với 90% tổng lượng xuất khẩu, dù cho đã có những tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định rằng giá cả sẽ tương đối ổn định và có mức tương đương 2014.
Người Việt ưu tiên "ăn vải" Việt Nam
Nhìn lại năm 2014, Bộ Công Thương phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương đã có nhiều hoạt động kết nối cung cầu nhằm tăng cường tiêu thụ nội địa. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2014 tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó nổi lên là tại các tỉnh phía Nam với 43,5% lượng tiêu thụ nội địa.
Tiếp đà mùa vải trước, niên vụ 2015 này Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương... tổ chức triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Cụ thể, sẽ cùng Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kết nối, thúc đẩy tiêu thụ quả vải và nhằm thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hai bộ cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang để tổ chức một hội nghị triển khai các giải pháp nhằm tiêu thụ vải niên vụ này, dự kiến vào ngày 11/5 tới.
Sau những tín hiệu tích cực từ thị trường phía Nam mùa vụ trước, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với hai tỉnh sản xuất vải chính là Bắc Giang, Hải Dương sẽ phối hợp với TPHCM để nâng cao lượng tiêu thụ vải thiều tại khu vực phía Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ làm việc với UBND tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, chính quyền một số địa phương phía Trung Quốc và các doanh nghiệp kinh doanh vải thiều của hai nước để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại như những mùa vụ trước đây.
Những giải pháp lâu dài
Bộ Công Thương cho biết ngoài những giải pháp mang tính "mùa vụ", trước mắt; Bộ này sẽ tiếp tục các giải pháp lâu dài nhằm tiêu thụ nông sản, hàng hóa nói chung.
Cụ thể, với thị trường xuất khẩu, sẽ tập trung các hướng trọng tâm gồm đàm phán, phát triển thị trường; mở rộng xúc tiến thương mại; tăng cường cung cấp thông tin và tháo gỡ các rào cản kỹ thuật.
Các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan… đang được đàm phán tích cực để mở rộng thị trường xuất khẩu nói chung và mặt hàng nông sản nói riêng. Khi các hiệp định này đi vào thực hiện, nhiều mặt hàng nông, thủy sản, mặt hàng chế biến của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0% hoặc ở mức thấp để tiến tới 0%. Ngoài ra, nhiều hàng rào phi thuế quan cũng sẽ được dỡ bỏ tạo điều kiện để tiếp cận thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn.
Các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được nâng cao và mở rộng, đổi mới mô hình, phương thức và sẽ nâng cao tính chủ động, vai trò của doanh nghiệp tham gia. Hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, thâm nhập thị trường sẽ gắn với các hệ thống phân phối, đầu mối tiêu thụ hàng hóa.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ tăng cường cập nhật, theo dõi và cung cấp thông tin về diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho, chính sách và nhu cầu xuất nhập khẩu của từng thị trường cũng như thông tin về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, các hàng rào kỹ thuật và thương mại đến các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp. Danh sách xuất khẩu uy tín của Việt Nam cũng sẽ được Bộ gửi đến các đối tác nước ngoài, góp phần giới thiệu và kết nối thông tin giúp các doanh nghiệp.
Bộ sẽ đề xuất các phương án đấu tranh hiệu quả đối với các rào cản thương mại (như bảo hộ mậu dịch, chống bán phá giá, chống trợ cấp…) không phù hợp đối với hàng hóa của Việt Nam cũng như đẩy nhanh quá trình đàm phán các hiệp định về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và các nước.
Với thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết tìm cách kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản với hệ thống phân phối. Sẽ gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bộ sẽ tổng kết để xem xét, nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp cũng như khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản có chất lượng và bảo đảm an toàn thực đến các nhà phân phối cũng sẽ được triển khai.
PV
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ