Ra nước ngoài làm ăn: Lại lo chuyện “quả trứng con gà"

12/05/2015 07:51 AM

Hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài – theo dự thảo của Bộ KHĐT – có nhiều giấy tờ được đánh giá là không phù hợp.

Theo Bộ KHĐT, tính lũy kế đến hết năm 2014, Việt Nam có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài-Ảnh minh họa

Bộ KHĐT vừa tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN). Dự kiến, dự thảo sẽ được trình Chính phủ trong tháng 5/2015.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị định này hướng dẫn Luật đầu tư 2014, vì vậy các quy định cần rõ ràng, cụ thể, đảm bảo sự thông suốt trong quá trình thực thi và phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong Luật Đầu tư 2014.

Tuy nhiên, qua rà soát, VCCI thấy rằng một số một số quy định tại dự thảo hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu nói trên. Chẳng hạn, theo dự thảo thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN phải có “Bản sao chứng thực hợp đồng hoặc bản thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc cùng hợp tác đầu tư đối với trường hợp có đối tác khác cùng tham gia đầu tư”.

Theo VCCI, quy định này là không phù hợp bởi Điều 59 Luật Đầu tư 2014 về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không có loại giấy tờ này.

Còn về mặt logic, quy định này là chưa hợp lý bởi trước thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp không thể biết được mình có được cấp phép hay không.

Do đó, doanh nghiệp không thể mạo hiểm ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc cùng hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư khác, vì có nguy cơ sẽ vi phạm hợp đồng/thỏa thuận trong trường hợp không được cấp phép. Câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước” này rõ ràng sẽ khiến không ít doanh nghiệp bối rối.

Được chuyển ngoại tệ, nhưng chưa đủ

Cũng theo dự thảo, doanh nghiệp tham gia đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sẽ được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi nhận giấy phép đầu tư để thanh toán cho các khoản chi phí ban đầu.

Đây là quy định được cho là sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho việc chuyển tiền ĐTRNN của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi theo quy định của Nghị định số 78/2006/NĐ-CP về ĐTRNN, nhà đầu tư chỉ được chuyển vốn ĐTRNN để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Mặc dù Nghị định số 78/2006/NĐ-CP có quy định rằng, đối với việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để nghiên cứu, chuẩn bị dự án đầu tư, thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan. Song trên thực tế, theo các doanh nghiệp, đây là việc gần như bất khả khi, ngoại trừ các dự án trong lĩnh vực dầu khí.

Đây cũng là một trong những quy định bị các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài than phiền nhiều nhất, bởi có nhiều khoản chi cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Thậm chí, ngay cả sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì chuyển tiền ra nước ngoài cũng không hề đơn giản.

Thế nhưng, quy định sửa đổi rất được mong đợi nói trên theo VCCI, vẫn là chưa đủ.

Lý do, theo VCCI, quy định này chưa thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Đầu tư, theo đó nhà đầu tư được chuyển “ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường…”. Tức là ngoài ngoại tệ, nhà đầu tư còn được phép chuyển nhiều thứ khác nữa.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định nhà đầu tư được chuyển hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN.

Thêm thủ tục so với Luật Đầu tư

VCCI cũng cho rằng quy trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp Giấy chứng nhận ĐTRNN đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cũng chưa phù hợp với quy định tại Luật đầu tư.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Đầu tư (Điều 55), nhà đầu tư nộp hồ sơ cho Bộ KHĐT và thời gian để Bộ xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định là 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

Trong khi đó Dự thảo lại quy định nhà đầu tư phải thực hiện “đăng ký trực tuyến dự án ĐTRNN trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư của Bộ KHĐT” rồi mới tiến hành nộp hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký, sau đó Bộ sẽ xem xét và thẩm định trong khoảng thời gian 30 ngày làm việc.

Như vậy, so với Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước thủ tục hơn và thời gian để cơ quan nhà nước xem xét và quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là dài hơn.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các quy định cụ thể về hoạt động ĐTRNN trên thực tế đã được đề cập tại Luật Đầu tư (sửa đổi). Dự thảo Nghị định Quy định ĐTRNN chủ yếu hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục theo tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Một trong những nội dung được cho là thoáng nhất, đó là thay vì làm thủ tục được cấp “giấy chứng nhận đầu tư” như trước đây, thì các doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục để được cấp “giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN”. Và chỉ các dự án có vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng mới phải làm các thủ tục thẩm tra, dưới 800 tỷ đồng chỉ cần làm thủ tục đăng ký đầu tư là đủ. Trước đây, các dự án ĐTRNN chỉ cần có vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng đã phải làm các thủ tục thẩm tra.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, quy định như vậy là tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý chỉ chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký đầu tư, chứ không can thiệp sâu về vấn đề pháp lý, không chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư - kinh doanh. Doanh nghiệp có quyền tự quyết đối với hoạt động đầu tư của mình.

Hà Chính

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,066

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]