“Nới” điều kiện cấp bằng cho lái xe đầu kéo: Có mạo hiểm?

17/06/2015 08:35 AM

Dù việc nới lỏng này sẽ đáp ứng được phần nào tình trạng thiếu lái xe hạng FC (lái xe đầu kéo) như hiện nay, nhưng câu hỏi đặt ra là chất lượng lái xe có đảm bảo không, hay đây chỉ là giải pháp tạm thời giải quyết về số lượng?

Đến nay, cả nước có 41.385 xe ô tô đầu kéo

Ngày 10/6 vừa qua, trong buổi làm việc với Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đồng ý kiến nghị của Hiệp hội này về việc người đủ 24 tuổi, đã được cấp giấy phép lái xe(GPLX) hạng C, D, E, có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm (trước đây là 3 năm) và đạt 50.000km lái xe an toàn trở lên là được quyền đăng ký để học, sát hạch nâng hạng lên FC (lái xe đầu kéo).

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay cả nước có 36 cơ sở đào tạo lái xe hạng FC; TPHCM đang kiểm tra cấp mới thêm 2 cơ sở đào tạo, 22 trung tâm sát hạch lái xe hạng FC.

Đến nay, cả nước có 41.385 xe ô tô đầu kéo, trong đó Hà Nội có hơn 3.300 xe, Hải Phòng khoảng 9.000 xe, TPHCM hơn 11.600 xe…

Về GPLX hạng FC, cả nước hiện có hơn 56.000 GPLX (trước năm 2012 cấp 32.783 GPLX, năm 2012 cấp 3.484 GPLX, năm 2013 cấp 2.959 PGLX, năm 2014 cấp 7.443 GPLX, năm 2015 cấp 9.470 GPLX).

Như vậy, số lượng GPLX đã cấp đạt tỷ lệ 1,36 GPLX/ô tô đầu kéo.

Từ năm 2014, do việc siết chặt tải trọng phương tiện nên nhiều doanh nghiệp đã phải đầu tư thêm xe đầu kéo để chở hàng. Chính vì thế lái xe FC cũng rơi vào tình trạng cung không đáp ứng được cầu.

Ông Lê Như Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng thông tin, trên địa bàn Hải Phòng, từ năm 2014 đến nay các doanh nghiệp đã đầu tư thêm khoảng 2.000 xe đầu kéo, tuy nhiên lái xe có bằng FC lại không đáp ứng kịp, dẫn đến thiếu trầm trọng lái xe loại này.

Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, việc thiếu lái xe hạng FC này là “miếng mồi béo bở” cho nhiều đối tượng lợi dụng để tổ chức sản xuất, mua bán, sử dụng GPLX giả để hành nghề trong thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp do thiếu hiểu biết, không cập nhật được thông tin, không tiến hành xác minh GPLX khi tuyển dụng,… nên đã tiếp nhận và giao xe đầu kéo cho các đối tượng này để điều khiển xe vận chuyển hàng hóa.

Đây được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe đầu kéo trong thời gian vừa qua.

“Nới” điều kiện, giảm chỉ tiêu thi bằng FC

Năm 2009, Luật Giao thông đường bộ đã quy định, những người lái xe đầu kéo phải có bằng FC thay vì GPLX hạng C.

Theo luật hiện hành, lái xe muốn thi bằng FC phải từ 24 tuổi trở lên, có đủ thời gian lái xe hạng C là 3 năm và 50.000km lái xe an toàn; học viên phải học đủ 192 giờ, gồm 48 giờ học lý thuyết và 144 giờ học thực hành lái xe.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, vào năm 2009, trước bất cập của tình hình tai nạn giao thông liên quan đến đối tượng lái xe đầu kéo, nên đã phải điều chỉnh luật, theo hướng rút ngắn quy định về thâm niên nhưng sẽ tăng số giờ thực hành lái xe an toàn thêm là 100 giờ là 244 giờ.

Ông Quyền cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp siết chặt hơn nữa công tác tuyển dụng, đào tạo lái xe đủ tiêu chuẩn, tuân thủ đúng theo quy định để đảm bảo ATGT.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, dự kiến trong tháng 6, việc sửa đổi Thông tư 46 về đào tạo, sát hạch lái xe hạng FC sẽ hoàn tất và có hiệu lực.

Cũng trong tháng 6, Tổng cục sẽ hậu kiểm việc sử dụng lái xe hạng FC ở một số địa bàn “nóng”.

Phan Trang

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,570

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]