Thay đổi tư duy quản lý chi tiêu nguồn ngân sách

19/06/2015 09:36 AM

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công của Đảng và Nhà nước, cơ chế quản lý vốn đầu tư của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã được kiện toàn từng bước theo hướng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm các cấp góp phần làm tăng hiệu quả vốn đầu tư nói chung.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cùng với cơ chế quản lý đầu tư chung tiếp tục được đổi mới qua việc ban hành các Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) cùng các Nghị định hướng dẫn thực hiện, thì công tác điều hành, quản lý chi ngân sách càng phải chặt chẽ; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư từ NSNN, và tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính hơn nữa. Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vốn đầu tư, Bộ Tài chính đang triển khai việc sửa đổi bổ sung một loạt cơ chế trong quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra.

Nội dung nghiên cứu sửa đổi lần này đã mạnh dạn đưa ra các cơ chế quản lý mới thể hiện rõ và cao hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong quản lý vốn đầu tư; đồng thời mở rộng phạm vi quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của NSNN tại tất cả các khâu thực hiện.

Cụ thể, sửa đổi một cách đồng bộ cơ chế quản lý tài chính đầu tư của cơ quan tài chính bao gồm cơ chế thanh toán vốn đầu tư, cơ chế quản lý chi phí ban quản lý và cơ chế quyết toán dự án hoàn thành. Đây có thể nói là lần đầu tiên toàn bộ quy trình quản lý vốn đầu tư tại cơ quan tài chính các cấp được nghiên cứu sửa đổi đồng bộ. Việc này sẽ tạo sự thống nhất và điều kiện thuận lợi cho thực hiện của các chủ thể cũng như đối tượng quản lý.

Bên cạnh đó, phạm vi, đối tượng quản lý của cơ quan tài chính các cấp trong quản lý vốn đầu tư được mở rộng gắn với trách nhiệm cao hơn. Ngoài trách nhiệm đối với quản lý thanh toán vốn cho nhà thầu, cơ quan tài chính, thanh toán vốn được giao thêm trách nhiệm đối với quản lý chi phí BQL dự án, đối với các bên liên quan trong quá trình thực hiện quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

Các nội dung điều chỉnh, sửa đổi nhằm cụ thể hóa các quy định mới của các Luật, Nghị định mới ban hành đồng bộ theo nguyên tắc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp.

Công tác quản lý vốn sẽ chặt chẽ hơn

Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 86/2011/TT- BTC  ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN. Tại thông tư mới, cơ quan tài chính các cấp tiếp tục thực hiện công tác thẩm tra phân bổ vốn đầu tư hàng năm, trung hạn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo việc giao kế hoạch của các cấp là đúng qui định, có điều kiện giải ngân vốn ngay khi có khối lượng theo đúng nhiệm vụ được giao tại Luật NSNN  và Nghị định số 60/2003/NĐ- CP  của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật. Nhưng thông tư mới sẽ quy định chặt chẽ hơn các điều kiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng theo hợp đồng (bao gồm quy định việc bảo lãnh tạm ứng là bắt buộc đối với các giá trị tạm ứng trên 1 tỷ đồng; qui định chủ đầu tư phải có đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng; qui định thêm trách nhiệm của cơ quan kho bạc trong đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn cho nhà thầu và trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư thu hồi trong trường hợp vốn tạm ứng không được sử dụng đúng mục đích).

Tăng cường kiểm soát chi phí của ban quản lý dự án

Việc quản lý, sử dụng các khoản thu của các ban quản lý dự án (BQLDA)  sử dụng vốn NSNN đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 05/2014/TT- BTC. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, nhiều điểm tại thông tư này đã bộc lộ những mặt hạn chế. Do đó, để khắc phục triệt để các bất cập mà các BQLDA đang phải đối mặt (lúng túng trong xác định nhóm của BQL dự án, vấn đề kiểm soát chi tiêu của Ban…) Bộ Tài chính tiếp tục dự thảo thông tư thay thế.

Theo đó, trên cơ sở quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13  cùng các Nghị định hướng dẫn theo hướng siết chặt hơn công tác quản lý dự án, cơ chế quản lý chi phí BQLDA do Bộ Tài chính soạn thảo sẽ thống nhất một cơ chế tài chính chung cho tất cả các BQLDA với cơ chế nguồn thu - chi rõ ràng, phản ánh đúng bản chất của BQLDA là bộ phận giúp chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ quản lý quá trình thực hiện dự án được đảm bảo bằng nguồn vốn NSNN.

Đặc biệt để giảm thiểu tối đa việc chi sai, chi thiếu, thông tư mới sẽ quy định trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong thẩm tra dự toán chi phí hàng năm; quy định chi phí ban được quyết toán hàng năm để phân bổ vào các dự án đầu tư. Những quy định mới này sẽ làm thay đổi cơ bản ý thức, trách nhiệm của các cấp thực thực thi, qua đó nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý chung.

Hạn chế tiêu cực trong quyết toán dự án hoàn thành

Để phù hợp với yêu cầu mới cũng như đòi hỏi về cải cách thủ tục hành chính cơ chế quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sẽ được sửa đổi theo hướng hợp nhất 2 Thông tư hiện hành là Thông tư 04/2014/TT-BTC  về quy trình quyết toán và Thông tư số 19/2011/TT-BTC  về nội dung quyết toán. Nội dung sửa đổi nhằm tiếp tục cụ thể hóa phân cấp trong thẩm quyền phê duyệt quyết toán theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP. Theo đó, một mặt làm rõ quy định cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư, mặt khác quy định rõ thẩm quyền phê duyệt quyết toán của cơ quan cấp trên của chủ đầu tư cũng như chủ đầu tư.

Một sửa đổi quan trọng trong cơ chế quyết toán dự án hoàn thành mới là rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán, kiểm toán, thẩm tra phê duyệt quyết toán đối với mỗi nhóm dự án là 3 tháng so với trước đây; giảm thiểu mẫu biểu quyết toán phải lập, đảm bảo phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra chế tài phạt đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chậm chễ trong việc thực hiện quyết toán được quy định rõ đảm bảo minh bạch và thuận tiện trong giám sát thực hiện của các cấp.

Với những định hướng sửa đổi trong công tác quản lý vốn đầu tư của cơ quan tài chính nói chung cũng như các đơn vị liên quan sẽ có sự thay đổi quan trọng, hạn chế tối đa các tiêu cực có thể phát sinh, theo đúng tinh thần chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính của Đảng và Nhà nước./.

ĐT

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài Chính

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,693

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]