Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (từ Điều 40-43), được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với hướng tiếp cận này.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) khẳng định: “Đây là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc tội được cả thế giới thừa nhận và áp dụng tại Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam cũng tham gia”.
Theo đại biểu này, khi nghi can rơi vào vòng tố tụng, họ phải đối mặt với bộ máy điều tra có đầy đủ phương tiện, thiết bị hiện đại, có kiến thức chuyên sâu về pháp lý hình sự và kỹ năng thẩm vấn. Trong khi đó nghi can luôn ở thế yếu trong tố tụng hình sự.
Còn đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết: “Thực tế cho thấy lần đầu bị công an triệu tập nhiều người mất bình tĩnh, thậm chí hoảng loạn, nhất là người ít hiểu biết về pháp luật, vị thành niên, người dân tộc thiểu số. Có những trường hợp đã tự sát tại nơi lấy lời khai hoặc nơi giam giữ. Trường hợp của anh Hoàng Văn Ngài, người dân tộc H' Mông tự sát năm 2013 tại công an Gia Nghĩa, Đắk Nông sau 2 ngày bị triệu tập lên làm việc là một ví dụ cụ thể”.
"Ngoài ra, thực hiện quyền này còn giúp giảm tối đa oan sai”, đại biểu Lê Thị Nga nói.
Bà Nga cũng cho biết từ lâu pháp luật Việt Nam đã xác định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai hay không là quyền của họ. Nhưng do kỹ thuật lập pháp không quy định trực tiếp quyền không trình bày lời khai, mà chỉ có thể hiểu gián tiếp, nên thực tế những quy định trên không được chấp hành nghiêm.
Việc phụ thuộc vào lời khai nhận tội của nghi can và suy đoán có tội đã trở thành khá phổ biến. Điều tra, truy tố, xét xử sẽ được kết thúc một cách nhanh chóng nếu có được lời nhận tội. Vì vậy, thực tế nhiều trường hợp đã biến từ quyền trình lời khai thành nghĩa vụ phải khai báo và đã từng xảy ra mớm cung, bức cung, nhục hình.
Đồng tình với hướng tiếp cận trên, nhưng đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng: “Hằng năm có tới 130.000 đối tượng được xử đúng người, đúng tội (tỷ lệ oan sai thấp) thì cũng nên hiểu cho cơ quan điều tra. Không nên tập trung thảo luận về giải pháp chống oan sai, mà phải tìm cách giữ nguyên phép nước để nhân dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Quan điểm của tôi là thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”.
Vẫn theo đại biểu Đương, thực tế của quá trình phá án, cơ quan điều tra không chỉ dựa vào lời khai, mà phải tìm bằng chứng vụ án.
Từ đó, ông Đương cho rằng Điều 40- 43 trong dự án Bộ luật Tố tụng hình sự cần sửa cụm từ "không buộc", hoặc "buộc" thành cụm từ "không bị ép buộc". Cụ thể là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị cáo, bị can “được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc không bị ép buộc phải nhận mình có tội”.
Đồng tình với ý sửa này, đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) cho rằng, đây là điều luật quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nếu thêm hai từ "bị ép" có thể dẫn đến cách hiểu ngược lại, nếu không bị ép thì những người nêu trên buộc phải nhận tội. Do vậy, nội dung này nên quy định về trách nhiệm của người tiến hành tố tụng (không được ép bị can nhận tội,...) chứ không nên quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Thành Chung
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ