Vốn đa tình, sau khi cưới nhau được 10 ngày, Bùi Xuân Khánh (43 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) đã quan hệ bất chính với một phụ nữ có chồng. Hai người thường xuyên nhắn tin rủ nhau đi chơi.
Bùi Xuân Khánh đã nhận án tử hình vì tội giết vợ. Ảnh: Q.T |
Thấy những biểu hiện bất thường của chồng, thiếu sự mặn nồng trong cuộc sống gối chăn, chị Lan Anh (vợ Khánh) nghi ngờ. Trong lần kiểm tra điện thoại của chồng, chị đọc được những tin nhắn yêu đương mùi mẫn của người đàn bà kia nên hai vợ chồng xảy ra cãi vã. Tối hôm đó, họ ngủ riêng, Khánh nằm ngoài phòng khách.
Sáng hôm sau, hai người lại to tiếng. Khánh trèo lên giường đấm vào mặt vợ, túm tóc đập vào thành giường rồi bóp cổ cho đến chết. Biết vợ tắt thở, Khánh nghĩ ra việc tạo hiện trường giả giống như vụ tự tử nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Anh ta lấy chiếc khăn vải cuốn hai vòng vào cổ vợ vờ như tự siết cổ, chỉnh lại tư thế nằm của người phụ nữ...
Nhớ lại án mạng xảy ra tháng 4/2008 này, thượng tá Lê Tiến Dũng (giờ làm Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm, người từng nhiều năm trong nghề khám nghiệm hiện trường) tâm sự, ông không thể quên được tình tiết của sự việc. "Đây là vụ mà đội khám nghiệm chúng tôi đã phải huy động rất nhiều công sức, trí tuệ để tìm cho ra thủ phạm", ông nói.
Theo thượng tá Dũng, khi khám nghiệm hiện trường, trên thềm cửa thông gió buồng vệ sinh, điều tra viên thu được bản photo tờ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai vợ chồng Khánh, trong ghi nhiều dòng chữ bằng nét mực bút bi với nội dung chị Lan Anh buồn bã vì phát hiện chồng ngoại tình.
"Lúc đó, có ý kiến đã cho rằng đây là vụ tử tử thông thường. Có thể mâu thuẫn vợ chồng, nạn nhân đã nghĩ quẩn, viết thư rồi tìm đến cái chết", ông Dũng nhớ lại.
Nhưng với con mắt nhà nghề, đội khám nghiệm đã lần lượt tìm được nhiều mâu thuẫn từ những vết tích trên người nạn nhân. Chẳng hạn, cổ nạn nhân được thắt nút bởi chiếc khăn có nút thắt ở phía trước, trong khi đó những vết bầm lại hình thành theo cơ chế siết, chứ không phải do thắt cổ gây ra...
Toàn bộ hướng điều tra được tập trung vào nghi vấn này. "Chiếc ga trải giường nơi nạn nhân nằm được lật lên. Trên mặt đệm tương ứng vị trí đầu nạn nhân nằm có vết dịch màu nâu sẫm, vết máu khi nạn nhân bị siết cổ trong tư thế úp mặt", thượng tá Dũng kể lại.
Trong lúc này tại Công an quận Long Biên, Khánh một mực kêu oan, đưa ra một loạt chứng cứ ngoại phạm. Tuy nhiên, suốt những ngày đó, Khánh chỉ đốt thuốc, uống nước và hầu như không ăn uống, tỏ ra rất lì lợm.
Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, pháp y cùng hàng loạt chứng cứ khác, cơ quan điều tra xác định Khánh là thủ phạm giết vợ. Biết không thể chối cãi, anh ta đã thừa nhận hành vi và bị TAND Hà Nội tuyên phạt án tử hình.
Mới đây nhất, vụ nhà báo Hoàng Hùng (ở tỉnh Long An) bị phóng hỏa cũng được cơ quan điều tra xác định nghi phạm đã dựng hiện trường giả để "qua mặt" nhà chức trách.
Nơi xảy ra vụ phóng hỏa đốt nhà báo Hoàng Hùng. Ảnh:Thiên Phước |
Khi vụ hỏa hoạn được phát hiện, nhà báo Hoàng Hùng tử vong, cơ quan điều tra không tìm ra chứng cứ bởi ngọn lửa đã xóa hầu hết dấu vết, gây khó khăn trong việc xác minh sự thật.
Bỏ qua những nghi vấn vì mâu thuẫn công việc, cơ quan điều tra tập trung vào các mối quan hệ của nạn nhân trong gia đình. Những nghi ngờ dần được "giải mã", cảnh sát tập trung nghi vấn vào bà Trần Thúy Liễu, vợ ông Hùng.
Tuy nhiên, điều mâu thuẫn là nếu bà Liễu là nghi can thì theo hồ sơ vụ án, khi xảy ra hỏa hoạn, ông Hùng còn chạy sang phòng vợ kêu cứu. Chính bà Liễu cùng hai con gái đã mở cửa dập lửa rồi cùng hàng xóm đưa chồng đến bệnh viện cấp cứu...
Sau thời gian dài xác minh, người bị tình nghi gây án vẫn là bà Liễu. Theo kết luận điều tra, sáng 17/1, bà Liễu mua dây dù và xăng cất vào tủ. Trưa cùng ngày, khi không có ai ở nhà, bà đem dây cột vào lan can ở tầng 1, thắt nhiều nút, sau đó cuộn lại giấu vào góc khuất. Đây là việc làm nhằm mục đích tạo hiện trường giả cho thấy hung thủ từ bên ngoài đột nhập vào nhà sát hại ông Hùng.
Đêm 19/1, khi ông Hùng ngủ say, bà lẻn ra lan can thả sợi dây dù thòng xuống đất. Sau đó, người vợ lấy bịch xăng, quẹt gas và tờ báo rồi trở lại phòng ông Hùng. Tới gần giường ngủ của chồng, bà Liễu tạt bịch xăng vào giường, bật quẹt đốt tờ báo kẹp dưới chân quăng vào giường và quay trở về phòng ngủ như không có chuyện gì xảy ra.
Chia sẻ về những dấu vết hiện trường tại các vụ án mạng, thượng tá Dũng cho biết, việc lấy mẫu vân tay, vân chân được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, điều tra viên cũng phải đặc biệt để ý đến những vết bầm, vết trầy xước trên đồ vật hoặc đôi khi chỉ là sự xê dịch bất thường của những vật dụng trong nhà...
"Mỗi dấu vết đều có thể biết "nói" nếu chúng ta biết cách giải mã chúng", ông Dũng tiết lộ.
Anh Thư