>> Bộ trưởng Phát thừa nhận bài toán khó
Đã có 34 đại biểu (ĐB) trực tiếp đặt câu hỏi, nhưng Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thấy còn nhiều người muốn hỏi và tranh luận với Bộ trưởng Cao Đức Phát nên liên tục nhắc nhở ĐB "vào thẳng câu hỏi". Điều này gây khó khăn cho không ít những ĐB quen cách trình bày dài dòng dù câu hỏi rất ngắn. Đến cuối buổi thì mỗi ĐB chỉ còn 1 phút để đặt câu hỏi thay vì 2 phút như quy định.
Bước đầu sản xuất lớn
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) nói đến nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô để có điều kiện ứng dụng khoa học - kỹ thuật tăng năng xuất, sẽ cần đầu tư lớn và tích tụ ruộng đất. “Trong khi sản xuất nông nghiệp của nông dân ta đang rất manh mún, Bộ trưởng có giải pháp gì về một mô hình sản xuất lớn nhưng đảm bảo quyền sở hữu đất của nông dân?”, ông Hòa hỏi.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, với hơn 10 triệu ha đất nông nghiệp và khoảng 3,5 triệu hộ nông dân canh tác thì manh mún là khó tránh, cũng như vươn lên sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn là một bài toán khó.
Nhưng ông Phát cho hay đã có thành công bước đầu trong việc hình thành những vùng chuyên sản xuất lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, chăn nuôi… ví dụ phong trào Cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, việc sản xuất cùng thời điểm với cùng giống lúa để có khối lượng hàng hóa lớn hơn ở một số tỉnh miền Bắc…
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Vươn lên sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn là bài toán khó. |
Nghe vậy, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa băn khoăn liệu việc tích tụ và sản xuất hàng hóa lớn đó là do tự phát hay có sự tác động về mặt quản lý nhà nước và tham mưu chính sách.
Bộ trưởng Phát khẳng định việc hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn không phải do tự phát mà có sự tác động của nhà nước thông qua công tác quy hoạch giữa Bộ Nông nghiệp và các địa phương, việc hướng dẫn nông dân hình thành các vùng nguyên liệu, các chính sách hỗ trợ về thủy lợi, giống và quy trình kỹ thuật…
Nhân rộng bảo hiểm nông nghiệp
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thấy người nông dân trong sản xuất nông nghiệp rất bất bênh, “được mùa thì rớt giá, được giá lại mất mùa”, thiên tai dịch bệch không ngừng đe dọa… nên rất quan tâm đến việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Ông cho biết nông dân rất mong hình thức này được nhân rộng.
ĐB Nguyễn Thái Học: Được mùa thì rớt giá, được giá lại mất mùa. |
Bộ trưởng Cao Đức Phát nói việc thí điểm do Bộ Tài chính chủ trì triển khai, Bộ của ông phối hợp trong việc xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn. Tuy mới bắt đầu nhưng nhận được sự hưởng ứng của nông dân, ông Phát lạc quan rằng đây là hướng đi đúng và cam kết phối hợp với các bộ ngành để triển khai rộng rãi.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ bổ sung: Trong giai đoạn thí điểm 2011 - 2013, hình thức bảo hiểm này sẽ tập trung vào các rủi ro do thiên tai và dịch bệnh với các đối tượng là cây lúa, gia súc gia cầm, cá tra - basa tại một số tỉnh.
Kinh phí bảo hiểm hoàn toàn do ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ 100% đối với các hộ nghèo, 80% với các hộ cận nghèo, 60% với các hộ khác và 20% với các doanh nghiệp tham gia trong các lĩnh vực trên.
Ông Huệ cho biết đã tổ chức tập huấn cán bộ và triển khai công tác tổ chức để chuẩn bị cho việc thực hiện vào năm 2012. Sau đó sẽ có tổng kết để báo cáo Chính phủ xem xét việc nhân rộng.
Kiểm soát nhập khẩu nông sản
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa tiếp tục băn khoăn về tình trạng nhập khẩu nông sản, đặc biệt từ Trung Quốc, không kiểm soát được chất lượng, trong đó có những nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất.
ĐB Lê Như Tiến tiếp tục hỏi về tình trạng cho nước ngoài thuê rừng. |
Bộ trưởng Phát cho biết việc kiểm soát nông sản nhập khẩu phải phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
"Chia lửa" với ông, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết qua quá trình đàm phán, ta đã bảo hộ được một số nông sản thế mạnh như muối, đường ăn, trứng gia cầm, thuốc lá mà hàng nhập khẩu sẽ bị áp thuế, nhưng các sản phẩm khác có thể nhập khẩu không hạn chế, chỉ kiểm soát được bằng một số biện pháp.
Ông Phát chỉ ra biện pháp trước mắt là yêu cầu các nước xuất khẩu nông sản vào Việt Nam thông báo về chế độ kiểm soát chất lượng ở nước mình, năng lực của doanh nghiệp, các đặc tính của nông sản, cũng như chứng minh xuất xứ hàng hóa.
Biện pháp lâu dài là “làm như các nước đang thực hiện với nước ta": cử người đến tận nơi kiểm soát tại cơ sở, và đưa ra các yêu cầu kỹ thuật tương đương tiêu chuẩn quốc tế.
Hàng rào kỹ thuật này Bộ Nông nghiệp đang cùng Bộ Công Thương xây dựng và điều chỉnh với khoảng 1000 loại nông sản. Bộ trưởng Công thương lưu ý hàng rào này sẽ không chỉ áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước cũng phải tuân thủ để đảm bảo công bằng, tránh phân biệt đối xử.
Không cho nước ngoài thuê thêm rừng
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) tiếp tục hỏi cả ba bộ Nông nghiệp, Tài nguyên - Môi trường và Kế hoạch - Đầu tư về tình trạng cho nước ngoài thuê rừng dù vấn đề này đã được chất vấn từ khóa trước.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng |
Bộ trưởng Phát cho biết đã kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng: dừng cho thuê mới, rà soát các dự án đã cấp phép, nơi nào chồng lấn các địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì không cho thuê nữa. Ông Phát cho biết diện tích rừng cho thuê hiện vẫn dừng ở con số cuối năm 2010 là 18.571ha.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu rõ hơn: 9/10 dự án cho thuê rừng đến cuối năm 2010 được cấp phép từ sau khi có luật về đầu tư nước ngoài. Đến nay đã thu hồi đất của hai dự án và không cấp thêm giấy phép nào. Đất đã cấp phép chủ yếu là đất trống đồi núi trọc, ông Vinh cho biết.
Sắp tới, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như thẩm tra, kiểm soát việc cấp phép cho thuê rừng.
Thủy Chung - Ảnh: Minh Thăng