Nguy hiểm
Sau khi triển khai một số phương án như dùng rào chắn, truy đuổi vây bắt,
bắn sơn… nhưng không đem lại hiệu quả, gần đây Công an thành phố Thanh Hoá
có sáng kiến dùng lưới đánh cá để vây bắt “quái xế”. Tuy nhiên, xung quanh
việc áp dụng biện pháp này còn nhiều nguồn dư luận trái chiều.
Theo lãnh đạo Công an thành phố Thanh Hóa, biện pháp này đã được sử dụng từ
cuối năm 2009 để chuyên trấn áp các đối tượng đua xe, lạng lách, đánh võng
vào ban đêm. Từ cuối tháng 10 vừa qua, việc quăng lưới mới được áp dụng rộng
rãi tại thành phố này.
Vào những ngày cao điểm của đợt ra quân, trên một số tuyến phố lớn tại thành
phố Thanh Hoá như Đại lộ Lê Lợi, đường Trần Phú, đường Quang Trung... có
hàng chục tốp cảnh sát đứng trực tại các giao lộ lớn.
Mỗi tổ khoảng sáu đến tám người gồm CSGT,
CSCĐ và dân phòng. Ngoài công cụ hỗ trợ chuyên nhiệp, mỗi tổ còn được trang
thêm nhiều tấm lưới đánh cá (loại lưới cước sợi nhỏ được cuộn lại, một đầu
quấn với một vật nặng, thường là gạch đá).
Trung tá Mỵ Duy Xuân, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an thành phố Thanh Hóa cho biết, chỉ sử dụng lưới đánh cá để ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng đua xe trái phép, lạng lách đánh võng. |
Trước khi nhóm này chuẩn bị tung lưới, CSGT sẽ
nhận được thông tin của đối tượng qua bộ đàm. Ngay lập tức, một dân phòng
chuẩn bị lưới trên tay. Khi thấy đối tượng đi qua, cảnh sát sẽ thổi còi ra
hiệu cho xe vi phạm dừng lại. Nếu người điều khiển xe máy không chấp hành
thì sẽ bị dân phòng quăng chiếc lưới vào gầm xe.
Nếu quăng chính xác vào phần sau xe, đoạn lưới sẽ cuốn vào bánh sau. Sau một
lúc loạng choạng, chiếc xe sẽ từ từ dừng lại. Sau đó, CSGT sẽ đến lập biên
bản đối với chủ phương tiện, nếu lỗi nhẹ thì có thể gỡ lưới tại chỗ, lỗi
nặng thì đưa xe vi phạm về trụ sở để xử lý.
Anh Nguyễn Ngọc Thanh, một người tham gia giao thông cho biết, từ khi CSGT
thành phố Thanh Hóa sử dụng biện pháp này, dư luận có nhiều ý kiến nhận xét
khác nhau. Có khá nhiều người ủng hộ vì cho rằng đó là phương án hiệu quả để
giữ trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, một số người lại phản đối kịch
liệt vì cho rằng nó có thể gây tai nạn cho người vi phạm. Họ cũng đã thấy có
nhiều trường hợp do bị quăng lưới đã té ngã, bị thương.
“Tôi cũng không ủng hộ biện pháp này vì thấy quá nguy hiểm không những cho
đối tượng mà còn cho những người đang lưu thông bình thường khác. Ban ngày,
trên đường phố khá đông người đi lại nên việc quăng lưới một chiếc xe vi
phạm sẽ rất dễ gây tai nạn cho những xe khác”, anh Thanh đánh giá.
Hiệu quả cao?
Trung tá Vũ Quốc Tường, Đội phó Đội CSGT- Công an thành phố Thanh Hóa (người
đã có sáng kiến quăng lưới để bắt quái xế) cho biết, cuối năm 2009 đầu 2010,
tình trạng đua xe tại thành phố này diễn ra rất rầm rộ.
Công an địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp
như dùng bàn chông, bì rơm, súng bắn sơn… nhưng đều không hiệu quả. Hơn nữa
những biện pháp này rất nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện cũng như
người thi hành công vụ và thế là ông nảy ra sáng kiến dùng lưới.
Dù biện pháp quăng lưới có phát huy được hiệu quả nhất định trong việc chống đua xe nhưng nhiều người cho rằng, biện pháp này cũng rất nguy hiểm vì dễ gây tai nạn cho người dân tham gia giao thông. |
“Khi sử dụng biện pháp quăng lưới này lập tức
mang lại hiệu quả rất cao. Những thanh niên đua xe thấy lưới là sợ nên đến
giữa năm 2010, tình trạng đua xe tại thành phố Thanh Hóa đã chấm dứt hẳn”,
Trung tá Tường nói.
Ông Tường cho biết thêm, vừa qua, sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 04 về
tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Trong đó tập trung
hạn chế tối đa các đối tượng đua xe, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, không
đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người…
Lãnh đạo tỉnh đã đồng ý cho mở rộng thực hiện
biện pháp này để bắt những đối tượng không chấp hành hiệu lệnh vào ban
ngày”.
Ưu điểm của biện pháp này là khi bị lia lưới vào gầm xe, đối tượng điều
khiển phương tiện không dừng lại đột ngột mà chậm dần đều. Do đó, nó đảm bảo
an toàn cho những người làm nhiệm vụ và cho người tham gia giao thông.
Từ khi quăng lưới chống đua xe vào cuối năm 2009, chưa có một tai nạn đáng
tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, có khoảng năm trường hợp bị ngã, bị xây xát phải
đưa vào bệnh viện nhưng chỉ phải điều trị không quá một ngày.
'Từ khi áp dụng biện pháp này vào ngày 28/10,
chúng tôi đã sử dụng và bắt được khá nhiều “quái xế” - ông Tường nói.
Là người nghĩ ra sáng kiến này nhưng Trung tá Tường cũng có nhiều băn khoăn
khi biện pháp này được áp dụng rộng rãi vào ban ngày.
“Thực ra tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với việc sử dụng biện pháp này vào
ban ngày vì sợ các đối tượng bị quăng lưới sẽ sợ, tránh dẫn đến tự mất thăng
bằng và va vào người tham gia giao thông. Bình thường thì không sao chứ nếu
xảy ra chết người thì ai chịu trách nhiệm?
Biện pháp này chỉ thích hợp nhất khi chống đua xe. Mặt khác, khi áp dụng vào
ban ngày biện pháp này nhìn khá phản cảm. Đáng lý việc quăng lưới phải giao
cho CSGT làm nhưng từ ngày 28/10 lại giao cho dân quân tự vệ nên cũng đáng
lo ngại.
Theo tôi nó chỉ là một loại công cụ trợ giúp cho người thực thi pháp luật.
Chúng tôi cũng đã báo cáo lên Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) để
xin ý kiến. Tuy nhiên, có lẽ Bộ Công an vẫn chưa hình dung được biện pháp
này là như thế nào nên chưa cho ý kiến hay ban hành các hành lang pháp lý.
Chúng tôi cũng rất mong muốn có một cơ quan
chuyên môn nghiên cứu, đánh giá cụ thể nếu được thì có thể nhân rộng vì
thanh thiếu niên đua xe rất sợ biện pháp này”, trung tá Tường nhấn mạnh.
Trung tá Mỵ Duy Xuân, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an thành phố
Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi chỉ sử dụng lưới đánh cá để ngăn chặn, bắt
giữ các đối tượng đua xe trái phép, đánh võng, lạng lách, chạy tốc độ cao
gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, không dùng để bắt tất cả những
người vi phạm Luật giao thông đường bộ'.
Theo ông Xuân, lưới đánh cá là công cụ hỗ trợ, biện pháp cuối cùng khi đối
tượng vi phạm chống hiệu lệnh dừng xe của công an.
Thanh Lê - Duy Tuấn