01/12/2011 09:22 AM

Trong dự thảo thông tư quản lý thuê bao di động trả trước vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, nhiều quy định mới sẽ khiến việc mua, bán SIM điện thoại phải chịu sự gò bó hơn trước.

Theo tinh thần Dự thảo Thông tư, đại lý SIM phải rộng 20m2 trở lên
Theo tinh thần Dự thảo Thông tư, đại lý SIM phải rộng 20m2 trở lên

Người dùng: chỉ được đăng ký tối đa 5 số điện thoại

Theo quy định hiện hành, mỗi người được đăng ký 3 số điện thoại của mỗi mạng, tức là được đăng ký tới 21 số điện thoại của 7 mạng hiện hành. Tuy nhiên, theo dự thảo mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT)vừa đưa ra, sắp tới đây, mỗi cá nhân sẽ chỉ có tổng cộng năm số thuê bao trả trước của tất cả các nhà mạng. Theo quan điểm của Bộ TTTT, “kho số di động là hữu hạn” và phải “bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và công bằng tài nguyên viễn thông”.

Khi khách hàng mua SIM và đăng ký thông tin để mua SIM thì khách hàng tự khai vào tờ khai thông tin, sau đó, nhân viên giao dịch kiểm tra thông tin theo chứng minh nhân dân của khách hàng, phải sao (photocopy) hoặc quét (scan) lại chứng minh nhân dân để lưu giữ. Khách hàng nào chưa đăng ký hoặc đăng ký thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động khi dự thảo này được ban hành và có hiệu lực.

Liên quan đến việc quản lý thuê bao di động trả trước, thời gian qua, hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng đã được lập trình để có thể lọc ra số chứng minh thư hoặc thông tin đã được đăng ký cho tối đa 3 số di động, xác định thông tin đăng ký phù hợp hoặc không phù hợp. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại bất cập là hệ thống không có năng lực tự phát hiện đầu số chứng minh thư không có thật, chứng minh thư có chính xác hay không, số chứng minh thư có khớp với thông tin đăng ký hay không. Những điều này chỉ được xác định khi rà soát dựa trên cơ sở dữ liệu của cơ quan công an.

Nay, với quy định “tối đa 5 số thuê bao của tất cả các nhà mạng”, việc nhận biết liệu khách hàng đã đăng ký tới 5 số điện thoại hay chưa cũng không dễ, bởi nó đòi hỏi một cơ sở dữ liệu liên thông giữa các nhà mạng. Điều này, hiện chưa thực hiện được đối với các nhà mạng Việt Nam.

Việc hạn chế số lượng số điện thoại mỗi người được sở hữu một lần nữa đặt ra vấn đề thay đổi nhà mạng mà vẫn được sử dụng số cũ – vốn đã từng thu hút được sự quan tâm của dư luận, được xới xáo, nhưng chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, mặc dù theo các chuyên gia về kỹ thuật viễn thông, hiện Việt Nam có thể thực hiện được kỹ thuật này.

Đại lý bán SIM: xuất hiện thêm giấy phép con?

Quy định mới về điều kiện của đại lý đang đặt nhiều đại lý bán SIM di động trước bài toán “tồn tại hay không tồn tại”.

Theo quy định hiện hành tại Thông tư 22/2009/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước thì điểm đăng ký thông tin thuê bao chỉ cần đáp ứng một số điều kiện cơ bản như có điểm giao dịch cố định, có trang bị máy tính nối mạng Internet.

Thế nhưng, tại dự thảo mà Bộ TTTT vừa đưa ra lấy ý kiến thì điểm đăng ký thông tin thuê bao phải đáp ứng hàng loạt điều kiện khắt khe hơn, nhưng địa điểm giao dịch phải cố định, đại lý có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm và mặt bằng này, diện tích sử dụng tối thiểu là 20 m2, trang bị máy tính nối mạng, máy photocopy hoặc máy scan.

Nhân viên giao dịch và chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao được tập huấn, đào tạo về quy trình, thủ tục đăng ký thông tin thuê bao... Việc đòi hỏi phải có diện tích tối thiểu 20m2 khiến nhiều đại lý tính chuyện đóng cửa, bởi trong bối cảnh kinh doanh khó khăn và tiền thuê mặt bằng cao như hiện nay, chi phí cho một mặt bằng 20m2 không phải là ít. “Đó còn là một sự xa xỉ khi trên thực tế, một chỗ rộng như thế chẳng để làm gì. Với hoạt động hiện hành của đại lý SIM, chỉ cần vài m2 là đủ” – anh Tuấn Anh, một đại lý SIM trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội) chia sẻ.

Đặc biệt, dự thảo thông tư quy định đại lý phải có công văn chấp thuận của Sở TTTT thẩm định điều kiện xin thành lập điểm giao dịch được ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước. Khi đáp ứng đủ điều kiện và có “công văn” trên thì mới được ký hợp đồng làm điểm đăng ký thông tin thuê bao.

Theo ông Nguyễn Thành, chuyên gia viễn thông, quy định đó chẳng khác nào “giấy phép con” trong bối cảnh đang cải cách hành chính. “Cơ quan hữu quan có thể tăng cường hậu kiểm hơn là bắt người dân, DN phải thực hiện quy định xin – cho. Đó là chưa kể, quy định nói trên và trình tự ban hành nó có những điểm vi phạm pháp luật” – ông Thành nói.

“Dường như, các điều kiện mới trong dự thảo đưa ra đang làm khó người kinh doanh hơn là để quản lý người dùng di động” – một chuyên viên nhà mạng VinaPhone nhận định.

Bách Nguyễn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,564

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]