Sát thủ điển trai Lê Văn Luyện đứng trước vành móng ngựa chiều 11/1 chờ HĐXX tuyên án. Ảnh Dân trí |
Việc nhiều người đòi phải tử hình, loại bỏ Lê Văn Luyện khỏi xã hội do tội ác man rợ mà thiếu niên này gây ra là dễ hiểu. Nhưng, pháp luật là pháp luật. Pháp luật quy định đối với phụ nữ có thai và đối với người dưới 18 tuổi chưa đến tuổi thành niên khi phạm tội thì không áp dụng hai mức án cao nhất là chung thân và tử hình. Hình phạt này thể hiện tính chất nhân đạo vì trẻ em chưa nhận thức đầy đủ, còn nhiều thời gian để ăn năn hối cải và phục thiện. Nếu cứ theo quan niệm “mạng đền mạng”, dù Lê Văn Luyện có bị xử tử hình, cũng làm sao bù đắp nổi nỗi đau của gia đình có 3 người chết thảm, một cháu bé thương tật vĩnh viễn 70%? Bởi thế mà dù căm phẫn, vẫn phải nhìn nhận một thực tế rằng, loại bỏ một con người khỏi xã hội không khó (có thể nghiên cứu để sửa luật), song còn quan trọng hơn rất nhiều khi làm cách nào đó để những những thiếu niên như Luyện không sa chân vào con đường tội ác. Nói cách khác, mầm mống của tội ác phải được phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu. Đó mới là điều cần thiết.
Các nhà nghiên cứu tội phạm học đã chỉ ra rằng, đa phần số thanh thiếu niên phạm tội đều sinh ra trong những gia đình không có cuộc sống thực sự lành mạnh, không nhận được sự giáo dục đầy đủ ngay từ nhỏ. Mặt khác, họ đã chịu sự tác động mạnh của môi trường xấu xung quanh, chịu tác động về các hành vi bạo lực trong phim ảnh, game online... Nhìn vào trường hợp cụ thể của Lê Văn Luyện, rõ ràng thiếu niên này đã sinh ra trong một gia đình như thế, đồng thời chịu tác động xấu từ xã hội: bỏ học từ cấp 2, bố mẹ làm nghề giết mổ, không có thời quan quan tâm, dạy dỗ, lên thành phố làm thuê rồi tiêm nhiễm các thói hư tật xấu như nghiện game online, chơi ma túy đá... Đặt giả thiết, nếu Luyện không phải bỏ học sớm, liệu có một Lê Văn Luyện như bây giờ hay không? Giả sử bố mẹ Luyện bằng mọi giá không để cho con thất học, dành thời gian để quản lý, giáo dục, chỉ bảo những điều hay lẽ phải, bản thân mình cũng tự làm gương trong cuộc sống hàng ngày, liệu rằng Luyện có trở thành một sát nhân máu lạnh?
Trách, giận, căm phẫn đối với hành vi man rợ của Luyện là cảm xúc dễ lý giải. Nhưng sẽ không thỏa đáng nếu chỉ trách một mình Luyện. Tội ác mà Luyện gây ra, có một phần lớn trách nhiệm của những người thân trong gia đình, rộng hơn là cả trách nhiệm của cộng đồng. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định rõ: nguyên tắc cơ bản là mọi trẻ em phải được hưởng quyền của mình dù là gái hay trai, giàu hay nghèo, khoẻ mạnh hay ốm đau, khuyết tật… Tất cả các em đều có quyền được bảo vệ và chăm sóc, có quyền được học hành, quyền được sống trong môi trường lành mạnh… Nhưng ngay từ khi học THCS, quyền được học hành của Luyện đã bị tước đoạt, nói gì đến quyền được sống trong môi trường lành mạnh? Khi những quyền cơ bản của một trẻ em không được thực hiện, trách nhiệm phải thuộc về người lớn. Vì thế, tội ác của Luyện cũng là câu chuyện của người lớn.
Luyện đã bị pháp luật trừng trị về những gì mình đã gây ra, dù mức án làm nhiều người cảm thấy thất vọng vì không đủ sức răn đe. Nhưng dư âm, nỗi ám ảnh từ tội ác của Luyện còn lâu nữa mới khiến nhiều người trong chúng ta thôi day dứt. Chừng nào quyền trẻ em còn không được thực thi một cách thực sự, gia đình, nhà trường và xã hội còn thiếu quan tâm, giáo dục đến nơi đến chốn về nhân cách và lối sống cho trẻ em, chừng đó sẽ còn rất nhiều những Lê Văn Luyện khác.
Theo Đất Việt