Ngày 23/4, tại báo cáo gửi Bộ GTVT và Bộ Tư pháp về sơ kết áp dụng mức phạt thí điểm đối với một số vi phạm quy định về giao thông đường bộ tại Nghị định 34/2010/NĐ-CPngày 2/4/2010 của Chính phủ, UBND TP Hà Nội cho biết, từ ngày 20/5/2010 – 15/3/2012), các lực lượng công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 1.130.678 trường hợp, phạt tiền gần 290 tỷ đồng, trong đó xử lý vi phạm trong khu vực nội thành là 861.963 trường hợp, chiếm 76% xử phạt toàn bộ Thành phố, phạt tiền gần 150 tỷ đồng, chiếm 52% xử phạt toàn thành phố; tạm giữ 3.647 ô tô, 36.514 mô tô và 257.931 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 121.093 trường hợp.
Theo thống kê, các lỗi vi phạm nhiều nhất là vượt sai quy định (79.909 trường hợp); vi phạm về vạch sơn (57.960 trường hợp); chuyển hướng, đi sai làn đường (53.355 trường hợp); dừng đỗ sai quy định (51.532 trường hợp); quay đầu sai quy định (42.797 trường hợp); vượt đèn đỏ (40.149 trường hợp).
Thêm vào đó, riêng Thanh tra Sở Giao thông Thành phố
cũng đã kiểm tra, xử lý 103.103 trường hợp, xử phạt hơn 51 tỷ đồng.
Tăng mức phạt tiền lên gấp đôi
đối với chủ phương tiện vi phạm không chuyển quyền sở hữu
phương tiện theo quy định - ảnh minh họa
Theo UBND TP Hà Nội, quá trình thực hiện cho thấy một số lỗi vi phạm như vượt đèn tín hiệu giao thông, đi xe một bánh, không chấp hành sự chỉ huy, hướng dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ nhưng không có hình thức tạm giữ phương tiện nên tính chất răn đe còn hạn chế, trong khi đó chế tài xử lý phạt tiền cao nên có tình trạng người điều khiển xe mô tô không chấp hành quyết định xử phạt như: Bỏ giấy phép lái xe để xin cấp, thi lại lấy giấy phép mới (do số tiền phạt cao hơn lệ phí thi mới).
UBND Thành phố cũng nhận định, trong thời gian qua, tai nạn giao thông trong nội thành giảm cả 3 tiêu chí, tình trạng ùn tắc giao thông cũng giảm. Về cơ bản các trường hợp vi phạm chấp hành nghiêm. Việc nâng mức phạt đã có tác dụng răn đe, nhiều trường hợp không dám tái phạm.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng camera cưỡng chế, phát hiện, xử lý vi phạm chưa phát huy hiệu quả do số camera được trang bị còn quá ít (hiện chỉ có 34 camera quan sát, một camera cưỡng chế) đặt tại các nút giao thông trọng điểm trong nội đô.
Báo cáo lên Bộ GTVT và Bộ Tư pháp, UBND Thành phố cho rằng, hiện một số điều như điều 8, 9, 24, 37, 38 tại Nghị định 34 quy định mức xử phạt thấp, chưa tương xứng với lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông như: Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm đối với xe liền kề phạt 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng; lái xe mô tô không chấp hành tín hiệu giao thông phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng (đối với ngoại thành và 300 – 500 ngàn (đối với nội thành); chống người thi hành công vụ phạt cao nhất đến 4 triệu đồng đồng; không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông phạt cao nhất 1,4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày.
Ngoài ra, một số hành vi khó xử lý như người đi xe
đạp sử dụng ô; xe thô sơ đi 2 xe trở lên. Đặc biệt, theo lãnh đạo Hà Nội, mức xử
phạt vi phạm chung cho các hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn
uống, bày bán hàng hóa là 20 triệu đến 30 triệu đồng gây khó khăn cho việc xử lý
vì tính chất của các hành vi vi phạm khác nhau.
Do vậy, UBND thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010/NĐ-CP theo hướng nâng mức xử lý vi phạm cao hơn hiện nay để đảm bảo tính răn đe, cho phép tịch thu phương tiện do người điều khiển vi phạm như đua xe trái phép.
UBND thành phố cũng đề nghị có hình thức tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính đến 10 ngày đối với các hành vi vi phạm: Không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, đi ngược chiều trong đường một chiều, chở quá số người quy định từ 50% trở lên so với số người quy định được phép chở tại các điểm g, h, khoản 3 Điều 8; điểm b, khoản 4 Điều 8; điểm a, đ, h, i, khoản 3 Điều 9; điểm g khoản 4 và khoản 2, khoản 3 Điều 26.
Đặc biệt, Hà Nội đề xuất tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong nội đô đô thị lên gấp 2 lần so với hiện nay. Tăng mức phạt tiền lên gấp đôi đối với chủ phương tiện vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
Theo VnMedia