“Cưới là cưới, kết hôn là kết hôn”
Đem cái tạm gọi là “dự thảo tiêu chuẩn cưới” trò chuyện với Thu Vân (quận 4, TP.HCM), cô bạn sắp làm đám cưới, cô thốt lên với vẻ đầy kinh ngạc: “Có vụ này nữa hả? Hôm bọn mình đi đặt tiệc ở nhà hàng có thấy đòi hỏi giấy tờ gì đâu. Mà có đòi thì bọn mình cũng đã lấy được giấy đăng ký kết hôn đâu mà trình chứ”. Tôi vờ hỏi: “Phải có giấy đăng ký kết hôn rồi mới làm đám cưới chứ?”. Cô bạn trợn mắt nhìn tôi như thể “người trên trời rơi xuống”: “Ủa, chuyện bọn tôi có đăng ký kết hôn hay không là chuyện riêng của chúng tôi. Tiệc cưới là tiệc cưới! Là dịp chúng tôi ra mắt gia đình họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… Còn chuyện đăng ký kết hôn là chuyện hoàn toàn khác, luật có bắt chúng tôi làm đám cưới thì phải đăng ký kết hôn trước đâu?”.
Cũng với “đề tài” này, anh Hoàng Ngọc (nhà ở quận 7, TP.HCM), vừa nghe qua đã phì cười, bảo: “Chuyện này nghe chẳng khác gì chuyện ngày trước một số nơi quy định bắt các đôi nam nữ vào khách sạn phải trình giấy đăng ký kết hôn. Đúng là chẳng hiểu họ quy định như vậy nhằm mục đích gì nữa”. Theo anh Ngọc, đúng là hiện nay có nhiều đám cưới “chóng vánh”, kiểu các cô gái miền Tây thông qua môi giới lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan… ít nhiều để lại hậu quả xấu. “Nhưng đòi hỏi nhà hàng phải bắt người đặt tiệc cưới xuất trình giấy đăng ký kết hôn là rất vô lý. Bởi cho dù những cô gái và những chàng rể ngoại có “yêu chóng vánh, cưới vội vàng” thì cũng chỉ là vấn đề cá nhân của họ, vì luật cũng đâu có cấm?”.
Tới đây, những cặp đôi muốn tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn? (Ảnh minh họa)
Anh Hữu Lợi (nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM) lại có cách nhìn nhận câu chuyện “dự thảo tiêu chí cưới” theo góc độ khác. Theo anh Lợi, như cách phát biểu của ông Nguyễn Văn Minh (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) với báo chí khi đưa ra tiêu chuẩn này là “để tránh xảy ra tình trạng tổ chức đám cưới giả và cũng nhằm bảo vệ quyền lợi hai bên nam nữ”, nghe không ổn và không cần thiết. Bởi làm sao phân biệt như thế nào là đám cưới giả, đám cưới thật? “Người ta tổ chức tiệc cưới mang ý nghĩa truyền thống về chuyện hỷ sự. Có tiền người ta tổ chức tiệc lớn, ít tiền thì tổ chức tiệc nhỏ. Ai đời lại giao cho ông nhà hàng kiểm tra giấy tờ pháp lý hôn nhân của khách hàng bao giờ”, anh Lợi nói.
Nhà hàng tiệc cưới vừa nghe đã lo
Chị Tống Mỹ Trân, Trưởng phòng Sales - Trung tâm hội nghị tiệc cưới Saphire, quận Bình Thạnh, TP.HCM nêu câu chuyện thực tế: “Nhiều khách hàng thích chọn ngày tốt để cưới nhưng nhiều khi chọn được ngày cưới sớm hơn ngày làm xong thủ tục và lấy giấy đăng ký kết hôn. Không có ai vì những lý do đó mà không nhận tổ chức đám cưới cho họ hết. Nhà hàng, khách sạn nào mà thực hiện theo quy định này thì trong một thời gian ngắn, cứ người này rỉ tai người nọ, không sớm thì muộn chắc chắn khách sẽ chạy dài”.
Gay gắt hơn, đại diện Nhà hàng tiệc cưới Emi Forever, quận Thủ Đức, thốt lên: “Chúng tôi là nơi làm dịch vụ chứ đâu phải cơ quan hành chính? Tiêu chí của đơn vị cung cấp dịch vụ là phải thuận tiện, nhanh chóng và tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng. Nhà hàng chỉ là nơi để tổ chức tiệc cưới, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có quyền yêu cầu khách hàng phải trình giấy đăng ký kết hôn. Nếu hỏi tới mấy cái giấy tờ này chắc chắn sẽ làm khách bực bội, nếu khách nào dễ tính còn đỡ, khách khó tính thì chắc "bái bai" sớm”.
Nhà hàng tiệc cưới “đau đầu” với “dự thảo tiêu chuẩn cưới” kiểu trời ơi (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, đại diện Nhà hàng StarCity Saigon Hotel, quận Phú Nhuận khi được hỏi đã cho biết những vùng nông thôn hay thị trấn nhỏ của các tỉnh lẻ thì quy định này đã được các nhà hàng áp dụng lâu rồi. Vị này kể: “Ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An mà tôi biết, các đám cưới thường phải trình giấy đăng ký kết hôn thì nhà hàng mới đồng ý nhận cọc rồi tổ chức tiệc. Để loại trừ trường hợp cô dâu, chú rể chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Ở những vùng này, chính quyền xã thỉnh thoảng cũng kiểm tra. Nhưng áp dụng ở một đô thị thương mại, hiện đại và chú trọng về dịch vụ như TP.HCM thì không khả thi và gây nhiều phiền toái cho khách hàng, doanh nghiệp”.
Chia sẻ với những lo lắng này, chị Tống Mỹ Trân cho rằng: “Thời buổi kinh tế khó khăn, trong khi các doanh nghiệp phải tung ra hết chương trình khuyến mãi này tới chương trình khuyến mãi khác còn chưa hút khách, nói gì đến áp dụng cái quy định trời ơi đất hỡi này? Vừa mất tính cạnh tranh, vừa phiền hà khách không đáng có”.
Vũ Tùng(Khampha.vn)
Chưa đảm bảo yếu tố pháp lý
Trao đổi với phóng viên xung quanh “dự thảo tiêu chuẩn cưới”, Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (CTV Thư Viện Pháp Luật - Công ty Lawsoft), cho rằng việc tổ chức tiệc cưới chỉ là một phong tục tập quán từ xưa đến nay nhằm mục đích cho cô dâu và chủ rể có thể chia vui với gia đình hai họ và bạn bè hai bên. Còn về pháp lí, cô dâu chú rể chỉ được xem là vợ chồng khi họ đã hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên là cơ quan đăng ký kết hôn. “Việc nhà hàng tổ chức tiệc cưới chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn là chưa phù hợp, chưa đảm bảo về tính pháp lí khi yêu cầu xuất trình giấy đăng ký kết hôn. Bởi đơn vị nhà hàng tiệc cưới không phải là cơ quan quản lí nhà nước để có thẩm quyền yêu cầu xuất trình giấy đăng ký kết hôn và chấp nhận hay không. Nhà hàng tiệc cưới là đơn vị hoạt động kinh doanh được pháp luật cho phép trong lĩnh vực hoạt động này nên họ có quyền tiếp nhận các yêu cầu tổ chức tiệc, miễn sao không trái qui định của pháp luật. Với qui định này có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên”, Luật sư Thảo nhấn mạnh. |