Hướng dẫn Điều 306 Bộ luật Hình sự về vũ khí, công cụ hỗ trợ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
10/12/2022 13:10 PM

Xin hỏi, đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép được hướng dẫn thế nào? - Thảo Trinh (TP.HCM)

Hướng dẫn Điều 306 Bộ luật Hình sự về vũ khí, công cụ hỗ trợ

Hướng dẫn Điều 306 Bộ luật Hình sự về vũ khí, công cụ hỗ trợ

Hội đồng thẩm phán ban hành Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307, Điều 308 của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, hướng dẫn Điều 306 Bộ luật Hình sự về vũ khí, công cụ hỗ trợ như sau:

1. Điều 306 Bộ luật Hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép

Căn cứ Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ như sau:

*Khung 1

Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

*Khung 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Có tổ chức;

- Vật phạm pháp có số lượng lớn;

- Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Tái phạm nguy hiểm.

*Khung 3

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

- Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

- Làm chết 02 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.

Biện pháp xử phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

2. Hướng dẫn thuật ngữ trong khung hình phạt Điều 306 Bộ luật Hình sự về vũ khí, công cụ hỗ trợ

Tại khoản 7, khoản 8, khoản 9 Nghị quyết 03/2022/NQ-CP hướng dẫn thuật ngữ trong khung hình phạt Điều 306 Bộ luật Hình sự về vũ khí, công cụ hỗ trợ như sau:

- “Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017:

+ Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng;

+ Vật phạm pháp khác có số lượng lớn theo quy định của pháp luật.

- “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017:

+ Từ 101 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;

+ Vật phạm pháp khác có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn theo quy định của pháp luật.

- “Vận chuyển, mua bán qua biên giới” quy định tại khoản 2 Điều 304, 305, 306 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 là:

Trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc ngược lại.

Cũng được coi là “vận chuyển, mua bán qua biên giới” nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.

3. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể

Tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép trong một số trường hợp cụ thể như sau:

- Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì:

Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại Điều 128, 138, 180 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

- Người nào thực hiện hành vi quy định tại Điều 304, 305, 306 Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong Điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 Bộ luật Hình sự thì:

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.

- Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định Điều 304, 305, 306 Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:

+ Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì:

Chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.

Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

+ Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.

Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

- Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì:

Không truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 304, 305, 306 Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày ngày 01/11/2022.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 20,095

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]