Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Ảnh VGP/Huy Thắng |
Trong họp báo định kỳ quý I/2013, hôm nay, 10/4, nhiều vấn đề nóng về thu, chi ngân sách, giá xăng, giá sữa, việc SCIC mang tiền gửi ngân hàng... đã được đại diện Bộ Tài chính giải đáp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối thực hiện tháng 3 ước đạt 54.140 tỷ đồng; luỹ kế thu 3 tháng đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Tổng chi NSNN tháng 3 ước 70.850 tỷ đồng; luỹ kế chi 3 tháng ước đạt 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2012.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định: Tỷ lệ thu như vậy là thấp so với quý I hàng năm, dự báo còn có nhiều khó khăn trong thu ngân sách. .
“Bộ Tài chính sẽ sử dụng các giải pháp tổng thể, bao gồm rà soát, tăng cường quản lý thu ngân sách, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, nâng cao tỷ lệ tiết kiệm chi, thực hiện cân đối ngân sách địa phương, chủ động linh hoạt phát huy nguồn lực địa phương”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh nhiệm vụ thu ngân sách, đảm bảo mục tiêu bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP.
Trước những ý kiến đòi hỏi minh bạch việc điều hành giá xăng dầu và việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết hiện nay DN kinh doanh xăng dầu báo cáo định kỳ 3 tháng/lần, với trường hợp đột xuất liên Bộ vẫn yêu cầu DN phải báo cáo. Liên Bộ luôn yêu cầu minh bạch thông tin và thời gian tới sẽ yêu cầu thống kê báo cáo sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) hàng tháng thay vì 3 tháng/lần.
Về quản lý giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Thực tế là nhiều mặt hàng trước đây là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, nay chuyển sang là sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn bổ sung, thức ăn công thức có pha chế. Theo quy định, các mặt hàng chứa sữa có độ đạm trên 30% mới gọi là sữa, còn độ đạm dưới 30% xếp vào hàng thức ăn bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng. Do đó để quản lý giá đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính đang kiến nghị và phối hợp với Bộ Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ về vấn đề thương phẩm - tên gọi chuẩn hóa, chất lượng, giá cả các mặt hàng trên, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra giám sát giá các mặt hàng, không riêng mặt hàng sữa mà cả các mặt hàng khác có tác động đến đời sống người dân.
Về việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mang tiền gửi ngân hàng lấy lãi, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết: SCIC có hai nhiệm vụ, vừa là nhà đầu tư vừa là doanh nghiệp có chức năng tái cấp vốn. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này quản lý một quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp với nguồn vốn lên tới trên 20 ngàn tỷ đồng.
Theo quy định thì tiền vốn thuộc quỹ này có thể gửi ngân hàng và tiền lãi thu về cho quỹ, SCIC không được tự động chi tiêu. Đặc biệt là vừa qua, do tình hình thị trường không thuận lợi, số lượng dự án khả thi hiệu quả kinh tế cao không có nhiều để đầu tư, do đó, một phần nguồn vốn trong quỹ được gửi ngân hàng. Hàng năm SCIC phải báo cáo, công bố số liệu liên quan đến quỹ, cả vốn và lãi. Các báo cáo tài chính và báo cáo về quỹ này cũng sẽ được kiểm toán Nhà nước định kỳ.
Về triển khai tái cấu trúc các DNNN, một số DN phản ánh gặp khó khi phải đảm bảo giá thoái vốn không thấp hơn giá mua, ông Đặng Quyết Tiến, khẳng định: Khi thoái vốn phải theo nguyên tắc thị trường công khai minh bạch, bảo toàn vốn cao nhất, để tránh việc tiêu cực đẩy thiệt hại về phía Nhà nước. Khi thoái vốn công khai qua thị trường, chỉ sau khi mở thầu rồi không có người mua mới được bán thỏa thuận, đảm bảo giá bán... Các quy trình và thủ tục đã có hướng dẫn cụ thể, các doanh nghiệp xây dựng các phương án thoái vốn và phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra phương án cụ thể cho các trường hợp.
Huy Thắng