Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, một trong những điều kiện để được hưởng lương hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là khi nghỉ việc phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
>>Xem chi tiết: Điều kiện hưởng lương hưu
Hiện nay, chỉ có 01 trường hợp được hưởng lương hưu khi đóng BHXH đủ 15 năm quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật BHXH:
"Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động thì được hưởng lương hưu".
Trước đây, đề xuất về việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu được đề cập tại Báo cáo 170/BC-CP ngày 11/5/2022 về việc thực hiện Nghị quyết 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, một trong những giải pháp được đề xuất nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu là:
Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm
Mới đây, chiều 15/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11 năm 2022.
Theo ông Chu Mạnh Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cần giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu.
Như vậy, giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu chỉ mới là đề xuất được đưa ra, việc có thực hiện hay không còn chờ vào quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Tại Nghị quyết 152/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021, Chính phủ đã thống nhất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.
Trong đó, Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan tiến hành tổng kết Nghị quyết 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, khắc phục hạn chế do quy định hiện hành, tháo gỡ những khó khăn chưa phù hợp với thực tiễn, đề xuất các giải pháp chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vừa đáp ứng yêu cầu của người lao động khi gặp khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa bảo đảm an sinh xã hội bền vững khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Theo Nghị quyết 69/2022/QH15 của Quốc hội, từ ngày 01/7/2023 tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;
Đồng thời, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Châu Thanh