TCHQ yêu cầu chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
21/12/2022 16:16 PM

Việc kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh dẫn đến chậm thông quan hàng hóa, vậy hiện nay đã có chỉ đạo gì về vấn đề này không? - Huyền My (TP. HCM)

TCHQ yêu cầu chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể

TCHQ yêu cầu chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 5369/TCHQ-GSQL ngày 12/12/2022 về chấn chỉnh kiểm tra thực tế đối với hàng hóa quá cảnh.

1. Chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể

Tại Công văn 5369/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung sau:

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, không kiểm tra tràn lan, chỉ kiểm tra thực tế trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định hàng quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể. 

Khi làm thủ tục xuất quá cảnh tại cửa khẩu xuất, Chi cục Hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu phát hiện phương tiện chứa hàng, niêm phong hải quan có dấu hiệu không đảm bảo nguyên trạng, phương tiện vận chuyển đi không đúng lộ trình, thời gian, tắt tín hiệu định vị thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nếu phát hiện hàng hóa quá cảnh có vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác có liên quan, trường hợp phát hiện hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam thì xử lý vi phạm, tịch thu hàng hóa quá cảnh theo quy định tại Điều 17 Nghị định 128/2020/NĐ-CP hoặc có thông tin người nhận hàng có địa chỉ tại Việt Nam thì tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo kết quả điều tra, xác minh, không để bỏ lọt hành vi vi phạm.

- Hàng hóa quá cảnh phải được giám sát bằng seal định vị trong quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, đi đúng tuyến đường, thời gian quy định. 

Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất phối hợp tổ chức giám sát chặt chẽ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên lãnh thổ Việt Nam.

- Các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, trường hợp phát hiện công chức, lãnh đạo đơn vị thực hiện không đúng thì xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.

- Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thực hiện theo đúng quy định tại các Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia năm 2019, Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2009, Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1994, Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP) và hướng dẫn tại Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC).

2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan trong kiểm tra hàng hóa quá cảnh

Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất trong kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh được quy định tại khoản 4, 6 Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP) như sau:

* Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập

- Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan theo quy định;

- Thực hiện niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa hàng quá cảnh trong trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ;

- Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt thực hiện niêm phong hải quan trong trường hợp không còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển.

Trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa vào Việt Nam không thể kiểm tra tình trạng niêm phong của hãng vận chuyển và không thực hiện được việc niêm phong hải quan, giao người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa.

- Đối với hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy nội địa ngoài việc thực hiện quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP), thực hiện giám sát hàng hóa quá cảnh bằng phương tiện kỹ thuật quy định tại điểm a khoản 7 Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP);

- Bố trí công chức hải quan giám sát trực tiếp hàng hóa quá cảnh tại điểm c Khoản 7 Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP);

- Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

* Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất

- Kiểm tra các thông tin về tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

- Kiểm tra tình trạng niêm phong hoặc nguyên trạng hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy nội địa ra nước ngoài, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất căn cứ thông tin về lộ trình, thời gian vận chuyển, các cảnh báo (nếu có) để quyết định việc kiểm tra niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển;

- Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Xem chi tiết tại Công văn 5369/TCHQ-GSQL ngày 12/12/2022 của Tổng cục Hải quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,814

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]