Tiêu chí, thủ tục thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
26/05/2022 09:08 AM

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định. Văn phòng Thừa phát lại muốn hoạt động phải tuân thủ một quy trình thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều kiện, thủ tục thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Điều kiện, thủ tục thành lập Văn phòng Thừa phát lại (Ảnh minh họa)

1. Tiêu chí thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

- Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

- Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

- Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

- Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

2. Thủ tục thành lập Văn phòng Thừa phát lại

2.1. Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại bao gồm:

- Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu;

Đơn đề nghị

- Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

2.2. Nơi nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

2.3. Trình tự đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại

- Bước 1: Xây dựng Đề án

Căn cứ vào các tiêu chí tại mục (1), Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

- Bước 2: Thông báo

Căn cứ vào Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương.

- Bước 3: Nộp hồ sơ

Trên cơ sở thông báo nêu trên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại tiến hành nộp hồ sơ.

- Bước 4: Giải quyết hồ sơ

+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

Trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

Trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Căn cứ pháp lý: Điều 21 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 05/2020/TT-BTP.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,154

Bài viết về

Thừa phát lại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]